Từ Myanmar, Mỹ chuyển sang tích
cực gây sức ép đối với Trung Quốc. Các nhà phân tích Nga cho rằng chuyến
thăm đầu tiên của tổng thống Mỹ ới Myanmar là một trong những tín hiệu
nói lên điều đó. Hôm thứ Hai, Tổng thống Obama đã được hàng ngàn người
dân Myanmar đứng dọc theo con đường từ sân bay đến thủ đô Yangon nhiệt
liệt đón mừng.
Trước thềm chuyến thăm này, Washington
đã dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu đá quý từ Myanmar. Trước đó, Mỹ cho phép
đầu tư vào nước này, dỡ bỏ lệnh cấm từng được tuyên bố sau khi giới quân
sự lên nắm chính quyền. Bản thân tổng thống Obama cũng đã mang đến một
món quà khi thông báo về việc nối lại hoạt động của Cơ quan Phát triển
Quốc tế Hoa Kỳ tại Myanmar, với ngân sách 170 triệu USD trong hai năm
tới.
Các nhà chức trách Myanmar coi chuyến thăm của
ông Obama là sự công nhận quốc tế sau các nỗ lực tự do hóa chính trị của
nước này. Trong nước đã thực sự bãi bỏ kiểm duyệt, ân xá các tù nhân
chính trị và tổ chức bầu cử quốc hội. Tuy nhiên, con đường cải cách
chính trị trong nước vẫn còn rất xa mới kết thúc. Thực tế tầng lớp cầm
quyền quân sự thay đổi bộ đồng phục nhà binh bằng bộ trang phục thế tục
không phải là dân chủ hóa thực sự. Nhưng điều đó không khiến Mỹ bận tâm.
Lợi ích địa chính trị của Mỹ quan trọng hơn nhiều. Phó chủ tịch thứ
nhất Học viện các vấn đề địa chính trị, ông Konstantin Sivkov nhận xét:
“Người Mỹ thất bại nặng nề ở Trung Đông và Bắc Phi, so với Hồi giáo, ảnh
hưởng của Mỹ tại các khu vực đó giảm đáng kể. Châu Mỹ Latinh cũng tẩy
chay Mỹ, vai trò của Mỹ tại khu vực này cũng bị rút ngắn như miếng da
lừa. Họ vẫn còn Đông Nam Á và Nam Thái Bình Dương, nhưng trong các khu
vực này Trung Quốc đang rất tích cực đẩy mạnh vai trò của mình. Do đó Mỹ
gia tăng tập trung vào khu vực này, trong đó có Myanmar. Tại Myanma,
Trung Quốc có một vị thế rất mạnh mẽ trong thương mại, kinh tế và đầu tư
mạnh vào lĩnh vực xã hội. Mỹ nóng lòng kiềm chế sự gia tăng trưởng ảnh
hưởng của Trung Quốc.”
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu
Chính sách xã hội Vladimir Evseyev cho rằng Hoa Kỳ không chỉ cố gắng
kiềm chế Trung Quốc ở Myanmar. Không phải ngẫu nhiên mà tổng thống Obama
lại bắt đầu chuyến công du nước ngoài đầu tiên đến Myanmar, Thái Lan và
Cam-pu-chia: “Vấn đề ở đây không phải chỉ nói về Myanmar, mà là về toàn
bộ khu vực Đông Nam Á nói chung. Chúng ta đang chứng kiến nỗ lực của
Hoa Kỳ cố gắng đưa khu vực này ra khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc. Để đạt
mục đích này, họ sử dụng các tranh chấp lãnh thổ, trước hết là với Việt
Nam và Philippines. Mối đe dọa Trung Quốc đang tăng lên. Tất cả mọi thứ
được thực hiện để giảm bớt vai trò của Trung Quốc và tăng ảnh hưởng độc
quyền của Hoa Kỳ. Khu vực Đông Nam Á, bao gồm Myanmar, là vị trí thuận
lợi để tiến gần Trung Quốc. Một trong các phương pháp là lập ra các căn
cứ quân sự của Mỹ. Không loại trừ là giới tinh hoa địa phương sẽ tích
cực làm việc từ quan điểm này.”
Ông Konstantin Sivkov
cho rằng sự đối kháng giữa Washington và Bắc Kinh sẽ tăng lên, nhưng
người Mỹ sẽ rất khó khăn để đạt được mục tiêu của họ: “Về mặt dân tộc
học, Trung Quốc gần gũi hơn với khu vực, họ có tiềm năng rất lớn về
những người nhập cư từ Trung Quốc và người gốc Hoa. Hơn nữa, Trung Quốc
là quốc gia có sức mạnh kinh tế gia tăng, còn kinh tế Mỹ thì đang đi
xuống. Trong triển vọng ngắn hạn Trung Quốc sẽ vượt tiềm năng kinh tế
Mỹ. Hiện tại Mỹ đang có lợi thế, nhưng Trung Quốc sẽ sớm vượt qua Mỹ về
tổng tiềm năng địa chính trị và sau đó là tiềm năng quân sự.”
Tăng
cường quan hệ quân sự với Myanmar là một trong những ưu tiên của Trung
Quốc. Không phải ngẫu nhiên mà trong những ngày Đại hội 18, Phó tổng tư
lệnh Quân đội Myanmar Soe Win đã đến thăm Trung Quốc. Trước thềm chuyến
thăm Yangon của tổng thống Barack Obama, tại Bắc Kinh, bộ trưởng Quốc
phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt đã khẳng định sẵn sàng tăng cường liên
hệ chiến lược với Myanmar.
Theo TNN Nga