Thứ Năm, 30 tháng 8, 2012

Từ tiến công thông tin đến hành động quân sự

Mới đây, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Victoria Nuland kể về việc đào tạo cho các phương tiện truyền thông độc lập Syria cách thức hành động qua mặt Chính phủ nước họ. Theo lời bà Nuland, người ta đã gửi cho các báo chí độc lập này bản cẩm nang hướng dẫn cách làm thế nào để đối phó hiệu quả với phương tiện truyền thông chính thống trong việc phát tán thông tin.
Trên thực tế, như các quan sát viên nhận xét, ở đây nói về chuyện huấn luyện cho phái nổi dậy Syria những thủ thuật và phương pháp thi hành chiến tranh thông tin, mà chủ yếu là khai thác sử dụng mạng Internet. Chuyên viên Nga Evgeni Ermolaev nêu ý kiến như sau.
“Không gian thông tin ngày nay đã trở thành một trong những địa bàn đắc dụng cho hoạt động chiến sự, trước hết là ở Trung Đông. Ngay từ trước cuộc xâm nhập vào Iraq năm 2003, Hoa Kỳ và các đồng minh đã phát động cuộc chiến thông tin chống lại đất nước Ả Rập này. Người ta vin vào cớ rằng dường như trong nước chứa chấp vũ khí hủy diệt hàng loạt. Trong không gian thông tin toàn cầu đã tràn lan cả một biển tin đồn và vô số suy đoán đủ loại theo hướng này”.
Các chuyên viên có lương tâm và trách nhiệm nghề nghiệp ở Nga và ở các nước khác, kể cả ở chính nước Mỹ, đã lên tiếng chỉ ra rằng những lời khẳng định nói trên là vô căn cứ, thế nhưng động thái thiện chí đó vẫn không sao ngăn cản được cuộc xâm lược. Bây giờ, đến lượt Syria bị phương Tây cáo buộc là có thể sử dụng vũ khí hóa học, hoặc là bảo quản tồi loại vũ khí nguy hiểm. Song song, người ta phát tán tin tức từ nguồn nặc danh nói về những hành động tàn ác của binh sĩ quân đội Syria. Thông tin kiểu này chủ yếu chứa trong một số blog của người dùng mạng Syria nào đó, mà lại không thể kiểm chứng. Còn những sự kiện hiện thực, khẳng định tội ác của các chiến binh thì chỉ đôi khi chỉ đề cập thoáng qua, dường như là cái gì không tồn tại hay chẳng đáng kể.
Đây chính là cuộc chiến tranh thông tin trong hành động. Và đáng tiếc là tham gia cuộc chiến này có đủ mặt gần như tất cả các cơ sở truyền thông lớn của phương Tây, làm việc không phải để xác minh sự thật, mà là để gây ấn tượng cần thiết cho Chính phủ nước mình. Thậm chí ngay cả trước cuộc chiến tranh Iraq, thực trạng trên bình diện phương tiện truyền thông thế giới cũng không đáng buồn đến vậy.
Thời còn là Tổng thống Hoa Kỳ, chính khách Richard Nixon từng nói rằng 1 dollar đầu tư vào tuyên truyền còn quí giá hơn 10 dollar chi cho phát triển vũ khí, bởi đầu tư tuyên truyền thường có hiệu lực mang lại “lãi xuất” ngay lập tức.
Chuyên viên Andrei Grozin tham gia chương trình của Đài "Tiếng nói nước Nga" cũng nhắc tới ý này.
“Cách đây chưa lâu tôi trở về từ nước Mỹ, sau khi tham gia một hội nghị quốc tế. Dành cho chúng tôi, có cuộc gặp mặt tổ chức trong Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ. Và ở đó các đại diện Mỹ phát biểu trước chúng tôi đã nói về điều khiển học và những vấn đề an ninh trong không gian mạng. Chăm lo về sự an toàn của không gian mạng là nhiệm vụ dễ hiểu và cần thiết. Chỉ có điều, đảm bảo an ninh như vậy một cách hoàn toàn sẽ là có thể, với những quốc gia đồng thời có đủ cả công nghệ hiện đại, cả phương tiện tiền bạc sẵn sàng - bởi những công nghệ như vậy không hề rẻ”.
Quả thực là công nghệ thông tin hoàn toàn có thể sánh với vũ khí. Và nếu những công nghệ như vậy mang lại cho chủ sở hữu cảm giác tự tin vì có trang bị bảo vệ kỹ càng chắc chắn, thì họ dễ thấy cám dỗ để làm nhân vật ra đòn tấn công trước tiên. Chính đó là những gì đang diễn ra ở Trung Đông hiện nay. Ý tưởng của Hoa Kỳ và các đồng minh về áp dụng phương pháp thông tin bao hàm ở tính toán phá hoại tình hình nội bộ trong những quốc gia mà họ coi là thù địch. Kinh nghiệm Iraq và Libya cho thấy, sau đòn tấn công bằng thông tin sẽ có thể tiếp đến cuộc xâm nhập bằng quân sự. Tuy nhiên, có thể cũng không cần thực hiện cuộc xâm lược như vậy, bởi trong một số trường hợp, đòn tấn công thông tin mamg lại kết quả tương tự mà ít tốn phí hơn. Syria chính là trường hợp như thế. Phương Tây chi cho cuộc đối đầu với đất nước này không phải là quá nhiều tiền, thế mà một đất nước vốn có sự ổn định xã hội và thịnh vượng về kinh tế vào bậc nhất khu vực, nay đang từng bước biến thành đống đổ nát.
Thực tế ảm đạm đó phải là căn cứ để suy tư đối với cư dân của những quốc gia láng giềng, đang hiện hữu vấn đề nội bộ không ít so với Syria. Đối tượng tiếp theo của kiểu diễn biến chiến tranh thông tin-quân sự sẽ có thể là họ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét