Trung Quốc trở thành một trong mười quốc gia sở hữu hạm
đội tàu sân bay. Bắc Triều Tiên ngang nhiên gia nhập câu lạc bộ các
cường quốc vũ trụ. Lần đầu tiên một quốc gia châu Á là Trung Quốc nghiên
cứu thử nghiệm chiến đấu cơ thế hệ thứ năm. Đó là những biểu tượng của
năm con Rồng 2012, những sự kiện đáng lưu ý của năm nay không chỉ riêng
đối với châu Á.
Khó thể nói thế giới có thái độ nhất
quán với những đột phá được nêu diễn ra trên biển, trên không và trong
vũ trụ. Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc dường như là món quà quí giá
nhất dành cho Đại hội Đảng lần thứ 18, hoạt động quan trọng tổ chức đề
cử ban lãnh đạo mới của đất nước cho 10 năm tiếp theo. Tuy nhiên, sự
xuất hiện của hàng không mẫu hạm không thể không gây lo ngại từ phía Hoa
Kỳ. Lầu Năm Góc coi con tàu như một thách thức đối với ưu thế độc quyền
của Mỹ trên biển. Hàng không mẫu hạm được đưa vào vận hành cùng thời
điểm Hoa Kỳ khởi động chiến lược hàng hải mới. Đó là chiến lược với mục
tiêu tái triển khai hai phần ba hải quân Mỹ tại châu Á – Thái Bình
Dương, bao gồm các tàu ngầm và tàu sân bay.
Lúc này,
tàu sân bay Trung Quốc giống một biểu tượng nhiều hơn là vũ khí quân sự
thực tế. Chuyên gia Viện Viễn Đông Pavel Kamennov cho rằng, hàng không
mẫu hạm là một nỗ lực nữa của Trung Quốc nhằm khẳng định vai trò cường
quốc toàn cầu:
“Đến năm 2015 Trung Quốc có kế hoạch
hạ thủy tới 4 tàu sân bay động cơ thông thường và tàu sân bay hạt nhân
vào năm 2020. Như vậy tiềm lực của Hải quân Trung Quốc sẽ gia tăng đáng
kể. Các hàng không mẫu hạm sẽ được sử dụng bảo vệ vận chuyển dầu mỏ từ
Trung Đông và Bắc Phi tới Trung Quốc, thông qua Ấn Độ Dương. Đồng thời
kiểm soát tình hình ở Biển Hoa Nam (Biển Đông).”
Tàu
sân bay Trung Quốc chưa hề thực hiện chuyến đi dài, nhưng đã làm dấy lên
sự lo ngại của không ít quốc gia châu Á. Các nước láng giềng nhìn nhận
đây là một phương tiện đòn bẩy của Trung Quốc, công cụ gây sức ép trong
trường hợp căng thẳng tình hình tại khu vực. Các mối quan ngại ngày càng
hiện rõ sau khi Trung Quốc tiến hành thử nghiệm chiến đấu cơ thế hệ năm
đầu tiên J-31. Máy bay đã cất cánh lần đầu tại tỉnh Liêu Ninh, phía
đông bắc Trung Quốc, trong bối cảnh mâu thuẫn ngày càng tăng với Nhật
Bản. Bằng chuyến bay đầu tiên của J-31, Bắc Kinh muốn khẳng định lập
trường cứng rắn trong các tranh chấp lãnh thổ với Tokyo.
Ngay
trong năm đầu lên nắm quyền, nhà lãnh đạo trẻ Bắc Triều Tiên Kim
Jong-un đã thực hiện lời hứa của cha là Kim Jong Il. Bắc Triều Tiên gia
nhập "câu lạc bộ vũ trụ"! Không những thế, Bình Nhưỡng nghiêm chỉnh thực
hiện đầy đủ mọi yêu cầu kỹ thuật đối với hoạt động phóng vệ tinh. Đã
hai tuần nay, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên ăn mừng sự kiện này.
Bất kể bằng việc làm như vậy, Bắc Triều Tiên vi phạm lệnh cấm của Hội
đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về khai thác công nghệ tên lửa đạn đạo, trở
thành một thách thức lớn đối với chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân
trong năm 2012. Ông Alexandr Vorontsov, chuyên gia Viện Nghiên cứu
phương Đông, Viện hàn lâm Khoa học Nga đã lưu ý tới hai mặt của vấn đề:
“Cộng
hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên cho rằng, như tất cả các nước khác họ
có quyền tham gia thăm dò hòa bình vũ trụ. Không ai có thể ngáng trở họ
làm điều này. Bình Nhưỡng khẳng định mình bằng phát triển công nghệ tên
lửa và không gian, tin tưởng là không một nghị quyết nào có thể ngăn cản
họ.”
Tàu sân bay và máy bay chiến đấu cơ thế hệ thứ
năm của Trung Quốc, vệ tinh Bắc Triều Tiên buộc thế giới nhìn nhận lại
các nước trong khu vực, cũng như xu hướng tăng cường củng cố an ninh của
các nước, bất chấp có thể gây thêm căng thẳng trong quan hệ láng giềng.
Ở châu Á có những quốc gia sẵn sàng đạt sự đột phá, dù biết rõ động
thái sẽ được thế giới đánh giá như một thách thức mới của châu Á.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét