Thứ Hai, 15 tháng 8, 2011

Những chiến công của tình báo vô tuyến điện Liên Xô

Trong gần suốt chiều dài lịch sử của Nhà nước Xôviết, tình báo vô tuyến điện đã có những đóng góp quan trọng vào việc đảm bảo vị thế cường quốc của Liên Xô, góp phần làm nên những huyền thoại của ngành tình báo Xôviết.

Yan Karlovich, một trong những người có công lớn trong việc

xây dựng ngành tình báo vô tuyến điện của Liên Xô.

Tại Phòng Truyền thống của Tổng cục I (Tổng cục Tình báo đối ngoại - PGU) thuộc Ủy ban An ninh quốc gia (KGB) Liên Xô, nay là Cơ quan Tình báo đối ngoại Nga (SVR) có treo chân dung của một người duy nhất không thuộc biên chế KGB, đó là Yan Karlovich Berzin, một trong những người sáng lập và là Giám đốc đầu tiên (1924-1935) của Cục IV, sau là Tổng cục Tình báo quân sự (GRU) thuộc Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Liên Xô. Đây là việc làm nhằm tôn vinh và tưởng nhớ công lao của Y.K.Berzin trong việc tổ chức thu thập tin tức tình báo bằng phương thức thu trộm vô tuyến điện (VTĐ).

Từ cuối những năm 20, Berzin đã tham gia thành lập Phân đội hợp nhất với nhiệm vụ thu trộm VTĐ dân sự và quân sự. Chỉ trong một thời gian ngắn, phân đội này đã trở thành cơ quan thu trộm và giải mã lớn nhất thế giới. Những chiến công đầu tiên của Tình báo VTĐ Liên Xô là những tài liệu thu được về chính sách bành trướng của Nhật Bản đang quân phiệt hóa và muốn có vị trí hàng đầu thế giới, nhất là ở khu vực Viễn Đông, nơi mang lợi ích sống còn của Nhà nước Xôviết. Chẳng hạn, bức điện của Trung tá Iukio Kasahara, tùy viên quân sự Nhật tại Moskva gửi về nước tháng 3/1931 đã được thu và giải mã, trong đó có đoạn như sau: “...Sớm hay muộn, Nhật Bản tất yếu phải đụng độ với Liên Xô... Cuộc chiến tranh Xô-Nhật càng bắt đầu sớm bao nhiêu càng tốt cho chúng ta bấy nhiêu. Phải hiểu rằng, mỗi ngày tình hình lại có lợi hơn cho Liên Xô. Nói ngắn gọn, tôi hy vọng chính phủ sẽ hạ quyết tâm tiến hành chiến tranh nhanh chóng với Liên Xô và bắt đầu thực hiện một đường lối phù hợp (với Liên Xô)...”. Một bức điện khác, trích lời Đại sứ Nhật Bản tại Liên Xô Hirota nói với một viên tướng Nhật đang ở thăm Moskva: “...Đặt sang một bên vấn đề Nhật có đáng đánh nhau với Liên Xô hay không, có thể nói, cần tiến hành một chính sách tàn bạo đối với Liên Xô với dự kiến sẵn sàng chiến tranh vào bất cứ lúc nào. Mục đích, không chỉ là ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản, mà đúng hơn là xâm chiếm miền Đông Sibiria...”.

Tình báo VTĐ Liên Xô đã tạo được khả năng tiếp cận với sổ mật mã của Nhật Bản, giải và nắm được các bộ mật mã được sử dụng cho các cuộc đàm phán Đức – Nhật. Chính vì thế mà Liên Xô biết rõ nội dung các cuộc trao đổi giữa Nam tước Phon Ribentrov (Ngoại trưởng nước Đức phát xít) và Tùy viên quân sự Nhật Bản (sau là đại sứ) Hirosi Osima về quá trình đàm phán, soạn thảo Hiệp ước chống Quốc tế Cộng sản giữa Đức và Nhật Bản. Được công bố chính thức ngày 25/11/1936, văn bản công khai của Hiệp ước chỉ nói về hoạt động của Quốc tế Cộng sản và sự hợp tác giữa hai nước trong việc phòng ngừa. Nhưng ý đồ sâu xa của hiệp ước này là chống lại Liên Xô.

Ở hướng nước Anh, Tình báo Liên Xô đã thành công trong việc tuyển mộ được hai nhân viên mật mã của Cục Thông tin Bộ Ngoại giao Anh tên là Ernest Alham và King vào làm việc. 2 nhân viên này đã trao cho phía Liên Xô toàn bộ bộ mật mã ngoại giao của Anh. Qua đây, Liên Xô nắm tương đối rõ mọi chủ trương, ý đồ của Anh, Mỹ trong việc thực thi các chính sách đối ngoại của họ.

Tương tự, Liên Xô cũng khá thành công trong việc hình thành tình báo kỹ thuật VTĐ nhằm chống lại Mỹ trong giai đoạn trước và trong Chiến tranh thế giới lần thứ 2. Đại sứ quán Mỹ tại Moskva bị phong tỏa bằng một màn sóng vô hình. Từ rất sớm, NKVD (Bộ Dân ủy Nội vụ, cơ quan tiền thân của KGB giai đoạn này) đã tuyển mộ được nhân viên mật mã của sứ quán. Người này đã hào phóng trao cho nữ điệp viên Liên Xô (là cô giáo tiếng Nga của sứ quán) nhiều tài liệu về mật mã và các tài liệu khác. Thời kỳ này, người Mỹ hầu như mù tịt về tình báo kỹ thuật VTĐ. Cho đến cuối năm 1944, khi vấn đề bảo mật được đưa ra, FBI do không có chuyên gia lành nghề đã mời một kỹ sư điện tử của Hải quân Mỹ đến kiểm tra khuôn viên sứ quán. Và tất cả đều giật mình khi viên kỹ sư này ngay trong lần tìm kiếm đầu tiên ở phía ngoài tòa nhà đã moi ra 120 chiếc microphon được giấu bí mật. Sau này, theo lời một cán bộ Sứ quán Mỹ, “chúng lại xuất hiện ở chân bàn, tay ghế, trong lớp vữa tường, tóm lại là ở mọi nơi thuận tiện”.

Những thiết bị phục vụ cho tình báo vô tuyến điện

Chiến tranh thế giới lần thứ 2 vừa bắt đầu, các nhân viên mật mã của cả NKVD (sau đổi thành NKGB – Bộ Dân ủy An ninh) và GRU đã tìm cách công phá bộ mật mã Enigma của Đức. Đây là công việc cực kỳ khó khăn và phức tạp. Vấn đề là ở chỗ, mỗi tập đoàn lục quân, không quân, hải quân Đức đều sử dụng Enigma để lập những bộ mã cho riêng mình và sử dụng các mã khóa khác nhau cho nhiều mục đích khác nhau ở nhiều nơi khác nhau. Có không dưới 50 khóa mã được sử dụng cùng lúc, và tất cả được thay đổi hằng ngày.

Bằng những nỗ lực phi thường và nhiều cách khác nhau, các nhân viên GRU đã giải mã được tất cả những biến thể cơ bản của bộ mã Enigma và xây dựng được phương pháp xác định chìa khóa sử dụng hằng ngày. Việc các đơn vị quân Đức không kịp hủy các máy mã Enigma và để một số chiếc rơi vào tay Hồng quân (nhiều nhất là trong chiến dịch Stalingrad) đã hỗ trợ đáng kể cho công việc cực kỳ to lớn này.--PageBreak--

Cuối năm 1942, Tổng hành dinh quyết định thành lập các tiểu đoàn đặc nhiệm VTĐ, là sự kiện được đánh giá là “bước nhảy vọt về chất trong sự phát triển tác chiến VTĐ của Hồng quân”. Trước đây, nhiều người chỉ biết đến chiến công của các đơn vị này trong việc tiến hành gây nhiễu và tung tin giả, mà ít biết rằng mỗi tiểu đoàn như thế còn được trang bị 18 - 20 máy thu trộm sóng và 4 máy định vị. Trong trận vòng cung Kursk nổi tiếng, các tiểu đoàn VTĐ Hồng quân đã phát hiện ra sở chỉ huy và vị trí đóng quân của Tập đoàn tăng số 2, Quân đoàn tăng số 2 và số 13, Sư đoàn tăng số 6, số 7 và số 11 quân Đức. Các sĩ quan liên lạc Đức thừa nhận rằng, thông tin do tình báo VTĐ (Liên Xô) cung cấp đã “đóng vai trò quyết định trong thắng lợi của người Nga”.

Các hội nghị quốc tế quan trọng diễn ra trong thời kỳ Chiến tranh thế giới lần thứ 2 (Hội nghị Teheran, Hội nghị Yalta và Hội nghị Posdam) đều diễn ra và kết thúc với ưu thế thuộc về Liên Xô, và tình báo VTĐ đã có công đầu. Trước mỗi cuộc gặp, Stalin đều nhận được tin tình báo nhiều hơn rất nhiều so với Thủ tướng Anh Churchil và Tổng thống Mỹ Roosevelt. Trong những ngày diễn ra Hội nghị Teheran, Tổng thống Mỹ đã dọn đến ở tại Đại sứ quán Liên Xô. Còn tại Hội nghị Yalta (Crime), đoàn Mỹ nghỉ ngơi tại cung Mùa hè Livanzia, đoàn Anh nghỉ tại điện Vjrosovski. Các phòng làm việc, sinh hoạt, nghỉ ngơi của người Mỹ, người Anh ở cả Teheran và Crime đều đầy rẫy những “con rệp”. Tin tức thu được từ những “con rệp” này đã giúp đoàn Liên Xô đưa ra được một cách thức đàm phán mềm dẻo nhưng cương quyết, góp phần vào thành công các hội nghị.

Thời kỳ Chiến tranh lạnh, Kremli có được những thông tin giá trị nhất từ những tin tức của tình báo VTĐ. Các chuyên gia giải mã của KGB và GRU không có kỹ thuật, điện toán hiện đại mà các “đồng nghiệp” của họ ở Anh và Mỹ đang sử dụng. Thế nhưng, mặc dù về mặt kỹ thuật tình báo VTĐ Liên Xô lạc hậu hơn tình báo VTĐ phương Tây, song bù lại, họ có 2 ưu thế. Thứ nhất, họ có trong tay đội ngũ hùng hậu các nhà toán học và các nhà lập trình hàng đầu thế giới; cả Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ và Phòng Thông tin liên lạc Nhà nước Anh đều không có điều kiện để tuyển mộ như KGB và GRU. Thứ hai, tình báo VTĐ Liên Xô luôn nhận được sự trợ giúp hiệu quả, to lớn của mạng lưới điệp báo trong việc thu thập tài liệu về mật mã của nước ngoài.

Nguyên Đại sứ Mỹ tại Liên Xô George Kennan (cha đẻ của chiến lược “Diễn biến hòa bình”) từng phải thốt lên rằng, trong dinh thự của ông ta quả thật “có những bàn tay vô hình đang hoành hành mà tôi, đúng hơn là tất cả chúng tôi, đều thực sự cảm thấy bất lực trước quyền lực của chúng”. Những “bàn tay vô hình” này thuộc quyền điều hành của Cục Phục vụ người nước ngoài (BIUROBIN), cơ quan về danh nghĩa chịu trách nhiệm tuyển lựa người vào làm việc tại các cơ quan đại diện nước ngoài tại Liên Xô, và trên thực tế là một bộ phận của Tổng cục II KGB (Tổng cục Phản gián, nay là Cơ quan An ninh liên bang – FSB). G.Kennan còn cho rằng, nếu không tìm thấy “con rệp” nào trong các phòng làm việc của Sứ quán là do KGB đã có kỹ thuật nghe trộm tốt hơn chứ chắc chắn không phải vì việc bảo vệ trở nên tốt hơn. Người ta phát hiện các thiết bị thu trộm được giấu kín trong các ống tre trang trí cho bức tường phía sau lò sưởi để máy dò kim loại khó phát hiện. Các “con rệp” nhỏ xíu nằm trong quốc huy Mỹ, cả trong con ngươi mắt trên chân dung nhà sáng lập nước Mỹ G.Washington...

Không chỉ ở các cơ quan đại diện nước ngoài, tình báo VTĐ Liên Xô còn thâm nhập vào ngay Cục An ninh quốc gia Mỹ (NSA), cơ quan tình báo chuyên trách về tình báo VTĐ trong cộng đồng tình báo Mỹ. Trong những năm 60, đã có 3 điệp viên Liên Xô cài cắm vào hoạt động tại Tổng hành dinh của NSA tại Ford Mich, cách Washington không xa.

Hoạt động của tình báo VTĐ Liên Xô không giới hạn ở việc thu tin tại các cơ quan đại diện nước ngoài đóng trên lãnh thổ Liên Xô. KGB, GRU còn sở hữu những trạm trinh sát điện tử to lớn và hiện đại ở nước ngoài. Trong số đó, đáng kể nhất là căn cứ Lurdes ở Cuba, cách bờ biển nước Mỹ gần 100 hải lý. Đây là căn cứ tình báo điện tử đồ sộ nhất thế giới, rộng vài hécta với các máy thu – phát VTĐ tối tân hoạt động liên tục ngày đêm dưới sự điều hành của hơn 2.000 cán bộ kỹ thuật Liên Xô. Từ căn cứ này, Tình báo Liên Xô tổ chức theo dõi hoạt động của các đoàn tàu thương mại, các tàu quân sự Mỹ và cả chương trình vũ trụ của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) diễn ra trên mũi Cannaveran. Từ đây, thậm chí các cán bộ Cục 16 KGB còn nghe được cả các cuộc nói chuyện điện thoại ở Mỹ.

Cần phải nói rằng, bản thân ngành tình báo VTĐ có chế độ bảo mật rất cẩn trọng. Ngay trong KGB, ngoài Giám đốc, Tổng cục trưởng Tổng cục I và Cục trưởng Cục 16, không ai được phép tiếp xúc với những tài liệu của tình báo VTĐ liên quan đến chính sách đối ngoại của Liên Xô. Những nội dung thu trộm được niêm cất trong bộ phận lưu trữ giải mã (viết bằng loại giấy mỏng tang và đóng lại thành “Sách đỏ”) mà không một cán bộ nào của KGB được phép tiếp xúc. Trong tình huống đặc biệt và được phép của cấp có thẩm quyền, họ chỉ được xem những tài liệu thu trộm rất cần thiết để họ hoàn thành điệp vụ của mình. Khi đó, một cán bộ lưu trữ đứng sau lưng họ, đợi đọc xong trang cần thiết (không được ghi chép) rồi thu, cất luôn “Sách đỏ”

Đăng Thịnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét