Thứ Hai, 20 tháng 5, 2013

Ấn Độ từ chối ủng hộ quan điểm của Trung Quốc trong cuộc tranh chấp các đảo trên biển Hoa Nam (Biển Đông)

Trong quá trình cuộc hội kiến với người đồng cấp Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã từ chối ủng hộ lập trường của Trung Quốc về tình hình các đảo tranh chấp trên biển Hoa Nam (Biển Đông). Phía Trung Quốc đang cố gắng đưa vào dự thảo Tuyên bố chung, văn bản cần được thông qua theo kết quả chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc đến Ấn Độ, những điều mục quy định rằng tranh chấp lãnh thổ trong khu vực Thái Bình Dương thuần túy là vấn đề nội bộ của các bên hữu quan và các quốc gia khác không nên can thiệp vào. Tuy nhiên Thủ tướng Singh đã từ chối ủng hộ quan điểm này và ông cho rằng ở đây nói về vùng biển quốc tế. Như vậy, rất có thể là trong văn bản sẽ đề cập đến vấn đề an ninh của khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung.
Theo TNN Nga. Đọc thêm Người lao động.
Theo VOA:

Chủ Nhật, 19 tháng 5, 2013

Về các thủ đoạn bịa đặt, xuyên tạc trên internet

Khi internet trở thành hệ thống thông tin toàn cầu giúp con người học hỏi, trau dồi tri thức, trao đổi, bày tỏ tâm tư,... thì nó cũng nhanh chóng bị một số người lợi dụng làm phương tiện thực hiện các thủ đoạn bịa đặt, tung tin thất thiệt nhằm làm ảnh hưởng tới uy tín của một số chính phủ và cá nhân, gây nhiễu thông tin, làm suy giảm niềm tin, đẩy tới rối loạn xã hội. Với Việt Nam, các thế lực thù địch đã và đang ráo riết thực hiện các thủ đoạn này.

 Tháng 3-2013, một số website, blog thi nhau công bố văn bản có tên "NSND Thu Hiền: Nên bàn ngay vào nội dung sửa đổi Hiến pháp" với nội dung không khác ý kiến một số người vẫn truyền bá trên internet để tiến công vào uy tín của Ðảng và Nhà nước Việt Nam. Dù đã có ý kiến nghi ngờ tính xác thực của văn bản này vì sự bất bình thường của một số từ ngữ được sử dụng, nhưng vẫn có người vội "ca ngợi" NSND Thu Hiền: "Tiếp tục cất cao lời ca, hòa cùng vào đoàn người có niềm tin bất diệt của sự tiến bộ một xã hội tri thức, của nền dân chủ văn minh thực sự"! Thế rồi sự việc trở thành nỗi bẽ bàng, vì ngay sau đó "một nhà báo cho biết: "Sáng 31-3, qua điện thoại, NSND Thu Hiền rất ngạc nhiên và bức xúc khi được hỏi về bài viết góp ý Hiến pháp. Bà cho biết, bà không biết gì về internet cũng như mạng. Khi nghe tóm tắt nội dung bài viết, bà rất bức xúc và nói: "Cả cuộc đời tôi theo cách mạng, được tặng danh hiệu NSND, không đời nào tôi lại đi làm cái việc như thế...". Có vẻ như chưa hết bức xúc và lo lắng, bà gọi điện lại, hỏi địa chỉ trang mạng đã đưa (để nói con tìm hộ để đọc xem nó viết thế nào), và tỏ ý muốn lên tiếng cải chính". Sự thể đã như vậy, lẽ ra những người đã đăng cái văn bản giả mạo kia phải thấy xấu hổ và cho "hạ bài"; nhưng không, một số người vẫn cho lưu giữ trên mạng, để tiếp tục đánh lừa người đọc.
 Sự kiện trên đây là thí dụ điển hình cho hoạt động của các thế lực thù địch và một số người không chỉ sử dụng internet làm công cụ để truyền bá luận điệu sai trái, mà còn biến internet thành một phương tiện chuyển tải thông tin bịa đặt nhằm tác động tới uy tín của Ðảng, Nhà nước và các đồng chí lãnh đạo (từ việc học hành, sinh hoạt của con cái đến chuyện nhà cửa, đất đai, có tài khoản ngân hàng ở nước ngoài, thậm chí bức ảnh đi lễ chùa cũng được họ huy động để xuyên tạc thành... "ám sát tâm linh"!). Mỗi khi đất nước có các sự kiện lớn như Ðại hội Ðảng, Hội nghị BCH T.Ư, bầu cử Quốc hội,... thì trên internet, loại tin bài này tăng vọt, kèm theo đủ loại "bình luận, phân tích, dự đoán" tiêu cực của một số người nhân danh "nhân sĩ, trí thức, blogger, nhà báo tự do", và bao giờ cũng kèm theo comment bậy bạ của nhiều kẻ giấu mặt.
 Ðể đạt mục đích, họ không từ một thủ đoạn nào, kể cả lợi dụng niềm tin tâm linh của công chúng. Vào mùa khô, sông Hồng cạn nước, lập tức một "nhà dân chủ" la lối "vận nước khô cạn" (!). Phát hiện "hòn đá lạ" ở Ðền Hùng, blogger nọ vội la thất thanh "Ðền Hùng bị trấn yểm", đề nghị "khẩn cấp vô hiệu hóa đạo bùa này, di dời khỏi khu vực di tích Ðền Hùng" (!). Bỉ ổi hơn, trước ngày Hội nghị T.Ư 7 (Khóa XI) khai mạc, có kẻ xưng xưng đặt câu hỏi về cơn mưa làm sạt tường đình làng Lại Ðà (Ðông Anh - Hà Nội) có gì linh ứng với diễn biến Hội nghị Trung ương 7 sắp diễn ra" (!)... Tức là bất kỳ thông tin nào, dù chưa được kiểm chứng, nhưng có thể lợi dụng, là lập tức có kẻ chộp lấy để vu cáo, xuyên tạc nhảm nhí. Từ ý kiến đề nghị lấy lại tên nước thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, họ xuyên tạc thành "Việt Nam sắp đổi tiền. Ðổi tên nước là phải đổi tiền!". Ðể trầm trọng hóa lạm phát, họ tung tin "Ngân hàng Nhà nước sắp phát hành đồng tiền mệnh giá 1 triệu đồng"... Trước và trong thời gian Hội nghị T.Ư 7 (Khóa XI), một "chiến dịch" bôi nhọ cá nhân, tung tin thất thiệt đã được triển khai. Một số website, blog, diễn đàn nhan nhản "tin mới, tin nóng" mà nội dung là hoang tin, bàn chuyện nhân sự như "thầy bói xem voi". Ðiều đáng nói là dưới các tin bài ấy, người ta tạo điều kiện để kẻ giấu mặt tha hồ phụ họa, chửi bới, xuyên tạc, đe dọa,... nhưng không cho đăng các ý kiến phản bác. Nếu đăng ý kiến phản bác thì họ tập trung "ném đá" bằng thứ ngôn từ hạ cấp, bẩn thỉu để người lương thiện không còn muốn dây dưa. Kết quả là trong nhiều trường hợp, họ tung hoành phao tin, đồn nhảm trên internet bất chấp lẽ phải, bất chấp sự thật.
 Trước tình trạng bất lương về thông tin, trên internet cũng đã có nhiều người lên tiếng phản ứng, như: "Từ khi có blog, facebook ai cũng trở thành "nhà báo" được, nhưng khổ nỗi, họ không ý thức đầy đủ các nguyên tắc bếp núc của nghề viết lách nên cứ viết bừa, đăng bừa. Thông tin họ đưa không chính xác chẳng những làm rối, làm ô nhiễm thông tin mà còn đẩy xã hội vào rối loạn", "mỗi khi trong nước, ngoài nước xảy ra sự vụ gì, không biết hay dở ra sao, không cần biết tin tức thế nào lập tức nhiều "tác giả dân chủ" tranh nhau viết bài mổ xẻ, phê phán, chửi bới.
 Căn cứ vào tác động xấu của tin tức bịa đặt, xuyên tạc trên internet trong các năm gần đây, có thể đặt câu hỏi: Phải chăng do người bị vu khống không phản ứng, hay không nhờ tới sự trợ giúp của pháp luật; do cơ quan chức năng còn thiếu kiên quyết; do được một số chính phủ nước ngoài, một số tổ chức nhân danh "dân chủ, nhân quyền" o bế,... mà hoạt động của một số người ngày càng trắng trợn hơn? Dù thế nào thì hiện tượng này cũng gây hoài nghi, hoang mang trong xã hội, ảnh hưởng tới uy tín, danh dự của công dân. Vì thế, các cơ quan chức năng cần nghiêm khắc hơn khi xử lý một số người công bố thông tin bịa đặt, xúc phạm cá nhân,... Riêng với blog, phải khẳng định đó không phải là diễn đàn cá nhân nên muốn viết gì thì viết, muốn đăng gì thì đăng? Thông tư 07 (năm 2008) của Bộ Thông tin - Truyền thông, bên cạnh việc quy định có ý nghĩa khuyến khích, cũng đưa ra quy định cụ thể với hành vi bị nghiêm cấm: "3.1 Lợi dụng trang thông tin điện tử cá nhân để cung cấp, truyền đi hoặc đặt đường liên kết trực tiếp đến những thông tin vi phạm các quy định tại Ðiều 6 Nghị định số 97. 3.2 Tạo trang thông tin điện tử cá nhân giả mạo cá nhân, tổ chức khác; sử dụng trái phép tài khoản trang thông tin điện tử cá nhân của cá nhân khác; thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. 3.3 Truyền bá các tác phẩm báo chí, tác phẩm văn học, nghệ thuật, các xuất bản phẩm vi phạm các quy định của pháp luật về báo chí, xuất bản. 3.4 Sử dụng những thông tin, hình ảnh của cá nhân mà vi phạm các quy định tại Ðiều 31, Ðiều 38 Bộ luật Dân sự. 3.5 Cung cấp thông tin trên trang thông tin điện tử cá nhân mà vi phạm các quy định về sở hữu trí tuệ, về giao dịch thương mại điện tử và các quy định khác của pháp luật có liên quan... 4.1 Chủ thể trang thông tin điện tử cá nhân chịu trách nhiệm về nội dung thông tin được cung cấp, lưu trữ, truyền đi trên trang thông tin điện tử cá nhân của mình, bảo đảm không vi phạm quy định của pháp luật...".
 Cùng với việc nghiêm túc thực hiện quy định của pháp luật, cần phát huy vai trò của báo chí để kịp thời phát hiện, nhanh chóng khẳng định và làm sáng tỏ bản chất của vấn đề, sự vật - hiện tượng, làm cho các thông tin bịa đặt, xuyên tạc không có điều kiện, thời gian để thẩm thấu, lung lạc đời sống tinh thần xã hội. Trung thực và tôn trọng sự thật, đó là "vũ khí" có khả năng vạch trần, bác bỏ mọi sự dối trá, phải được khẳng định cụ thể, trực tiếp trên báo chí khi đấu tranh với hiện tượng vu cáo, bịa đặt. Tuy nhiên, cuối cùng vấn đề vẫn phụ thuộc vào bản lĩnh, sự tỉnh táo của mỗi người khi tiếp xúc với thông tin. Muốn vậy, xã hội cần tạo ra môi trường để mỗi cá nhân xây dựng ý thức tự giác không chỉ trong đánh giá thông tin, mà còn có bản lĩnh công khai đấu tranh với cái xấu. Ðặc biệt, trong khi khuyến khích toàn dân "Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật", các cơ quan pháp luật cần vào cuộc bảo vệ người dân trước các loại thông tin vu cáo, bịa đặt, xuyên tạc, vu khống làm ảnh hưởng tới danh dự, nhân cách...
 VŨ HỢP LÂN (báo Nhân Dân).

Thứ Bảy, 18 tháng 5, 2013

Hoa Kỳ tháo bỏ viên "ngọc trai" ra khỏi chuỗi vòng cổ Trung Quốc

Hôm thứ Hai (18/5/2013), Tổng thống Myanmar Thein Sein sẽ đến Hoa Kỳ - chuyến thăm chính thức đầu tiên trong 47 năm qua. Những người ủng hộ cải thiện quan hệ Mỹ-Myanmar gọi chuyến thăm sắp tới là mốc quan trọng trong quan hệ song phương và là bằng chứng về sự hỗ trợ của Washington dành cho sự thay đổi dân chủ tại Myanmar. Những người phê phán thì nhấn mạnh thực tế là vi phạm nhân quyền tại Miến Điện vẫn tiếp tục diễn ra cho đến ngày nay. Tuy nhiên, như thường lệ, trong trường hợp này, nhân quyền chỉ là màn khói che dấu mục tiêu địa chính trị quan trọng hơn của Mỹ, chủ yếu là đưa Myanmar ra khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc và đảm bảo cho Wasington một chỗ đứng trong khu vực chiến lược quan trọng này.
Gần nửa thế kỷ qua Myanmar được giới quân sự lãnh đạo. Phương Tây đã tiến hành với quốc gia này các cơ chế trừng phạt cứng rắn, và trong thực tế, từ lâu đồng minh duy nhất của Myanmar vẫn là Trung Quốc.
Năm 2011, tổng thống Myanmar là Thein Sein đã thực hiện chính sách dân chủ trong nước và đường lối cởi mở hơn trong quan hệ với phương Tây. Hàng trăm tù nhân chính trị được ra tù, trong đó có lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi, người trong nhiều năm qua bị quản thúc tại gia. Bà được trao giải Nobel và còn được bầu vào Quốc hội.
Phương Tây đã làm dịu lập trường của mình và gỡ bỏ hầu hết các biện pháp trừng phạt đối với Myanmar. Trong tháng Mười một năm ngoái, Tổng thống Mỹ Barack Obama thực hiện chuyến thăm đầu tiên đến Myanmar.
Tuy nhiên, cải cách tại Miến Điện chỉ mang tính nửa vời. Hơn nữa, xung đột sắc tộc và tôn giáo trong nước trong những năm gần đây đã tăng lên. Ông Boris Volkhonsky, chuyên gia của Viện nghiên cứu chiến lược Nga nói:
“ Năm ngoái, tại bang miền tây Rakhine, đám đông Phật tử chiếm đa số ở Myanmar đã càn quét, tàn sát người dân tộc thiểu số Hồi giáo. Hậu quả các cuộc bạo loạn, mà chính quyền và quân đội tha thứ, nếu không nói là trực tiếp khuyến khích, là khoảng 200 người thiệt mạng, hơn 140.000 người mất nhà cửa và vẫn đang sống ở các trại tị nạn trong điều kiện kinh khủng.”
Đánh giá chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Miến Điện đến Hoa Kỳ có nhiều ý kiến rất khác nhau.
Ông Zaw Htay, chánh văn phòng của tổng thống Thein Sein tuyên bố khi trả lời phỏng vấn AFP rằng chuyến thăm này là sự hỗ trợ của Washington cho "mùa xuân Myanmar", nhưng mùa xuân này "cụ thể hơn" so với “mùa xuân Ả Rập" và là hiện thân của những giá trị mà Hoa Kỳ hỗ trợ trên toàn thế giới."
Phát ngôn viên của Nhà Trắng Jay Carney lưu ý rằng "Tổng thống Obama mong muốn thảo luận về các cơ hội kinh tế dành cho người dân Myanmar và các loại hỗ trợ mà Hoa Kỳ có thể đề xuất."
Đến lượt mình, các nhà hoạt động nhân quyền chỉ ra thực tế rằng tổng thống Hoa Kỳ làm ngơ trước tội ác chống nhân loại và diệt chủng ở Myanmar, và thậm chí còn gọi tình hình hiện nay là "phân biệt chủng tộc". Ông Boris Volkhonsky nói tiếp:
“Trong thực tế, vấn đề nhân quyền là bức màn khói che đậy những thứ quan trọng hơn. Cho đến gần đây, Myanmar đã và vẫn là một trong những điểm quan trọng trong chiến lược "chuỗi ngọc trai" của Trung Quốc. Myanmar nằm trên con đường tắt tiềm năng vận chuyển hàng hóa từ châu Phi và Trung Đông tới miền nam Trung Quốc. Cảng Chauphyu nằm ở bang Rakhine đang được xây dựng với sự hỗ trợ của Trung Quốc có vai trò rất quan trọng. Cuối năm 2011 Hoa Kỳ công bố "chiến lược thay đổi trục ảnh hưởng" và "quay trở lại châu Á". Mục đích chính của chiến lược này hạn chế ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.”
Xung đột dân tộc phù hợp với chiến lược này một cách hoàn hảo. Nguyên tắc cũ của "chia để trị" không chỉ có thể cản trở việc thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng của Trung Quốc, mà còn giữ trong tay Mỹ nhiều đòn bẩy kiểm soát tình hình. Vì vậy, rõ ràng là Washington sẽ tiếp tục xem xét rất chọn lọc vấn đề nhân quyền tại Miến Điện, trên thực tế cũng giống như họ vẫn thực hiện ở các nước khác, chuyên gia Nga khẳng định.
Theo TNN Nga.