Thứ Hai, 24 tháng 9, 2012

Các bài trên Blog ( 29/6/2011 - 23/9/2012)




Đài TQ mở văn phòng gần Móng Cái

Tin BBC:
Văn phòng Đông Hưng là cơ quan đại diện đầu tiên của Đài Tiếng nói Vịnh Bắc Bộ
Đài Tiếng nói Vịnh Bắc Bộ (Beibu Bay Radio - BBR) của Trung Quốc vừa làm lễ treo biển văn phòng đại diện ở Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây, ngay cạnh thành phố Móng Cái của Việt Nam.
Đây là văn phòng đại diện đầu tiên của BBR kể từ khi đài này thành lậ́p hồi tháng 10/2009 với mục tiêu tăng cường phát thanh và tuyên truyền tới khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam.
BBR là đài phát thanh hợp tác giữa Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc (China Radio International - CRI) và Đài Phát thanh Quốc tế tỉnh Quảng Tây.
CRI trong một bản tin thông báo rằng lễ treo biển Văn phòng thường trú Đài Tiếng nói Vịnh Bắc Bộ tại Đông Hưng vừa được tiến hành hôm 22/9.
Phó giám đốc CRI Hạ Cát Tuyên được dẫn lời nói việc này sẽ giúp "tăng cường tuyên truyền và giao lưu với khu vực Đông-Nam Á, nâng cao tính thích hợp và hiệu quả truyền bá đối với khu vực Đông-Nam Á".
Ngoài văn phòng Đông Hưng, BBR chỉ có đại bản doanh tại thành phố Nam Ninh, thủ phủ khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây.
Đông Hưng nằm ngay bên cạnh thành phố Móng Cái, thuộc tỉnh Quảng Ninh của Việt Nam. Hai bên cách nhau bằng dòng sông Bắc Luân.
BBR phát thanh từ 7 giờ sáng tới 12 giờ đêm mỗi ngày, chương trình có năm thứ tiếng là Việt, Anh, Thái, Quan Thoại và Quảng Đông.
Tiếng Việt là ngôn ngữ quan trọng nhất, được phát sóng FM tới thính giả Việt Nam, theo BBR. 

Nga sẽ đáp trả đích đáng nếu như căn cứ tại Tartus bị tấn công

Trong thế giới đầy phức tạp như hiện nay, những lời nói mạch lạc thường có giá trị rất lớn.
Sẽ không có bất kỳ toan tính tấn công vũ trang vào căn cứ Hỗ trợ hậu cần của Hải quân Nga ở cảng Tartus của Syria mà lại không bị giáng trả đích đáng, - đó là tuyên bố ngày thứ Sáu của Bộ Tổng tham mưu lực lượng vũ trang Nga.
"Nếu phe đối lập vũ trang Syria quyết định thực hiện những đe dọa của họ bằng cuộc tấn công có thể vào căn cứ Hỗ trợ hậu cần, lực lượng hải quân Nga hiện diện tại khu vực sẽ tập trung mọi khả năng để nhanh chóng có đòn giáng trả đích đáng. Chúng tôi muốn khuyên “những cái đầu nóng” của phe đối lập Syria không nên làm như vậy”, - "Interfax" đưa tin dẫn nguồn từ Bộ Tổng tham mưu.
Theo lời người cung cấp tin, "cả phía Syria cũng đã thi hành những biện pháp thích hợp để tăng cường bảo vệ và phòng thủ căn cứ Hỗ trợ hậu cần”.
Như thông báo trước đó của Tư lệnh Hải quân Nga, Phó Đô đốc Viktor Chirkov, hiện nay tại vùng biển Địa Trung Hải có 10 chiến hạm của Nga trong đó có 5 tàu đổ bộ lớn, và 10 tàu yểm trợ.
"Các con tàu Nga ở Địa Trung Hải đang thực hiện nhiệm vụ kế hoạch về huấn luyện chiến đấu. Đó là những nhiệm vụ được lên kế hoạch từ năm 2011. Trên chiến hạm đổ bộ lớn có các đơn vị lính thủy đánh bộ với đầy đủ trang bị vũ khí”, - Phó Đô đốc Viktor Chirkov cho biết.

Trung Quốc và Nhật Bản đã tuyên bố về hòa giải

Lịch sử:  Trung Quốc không đạt được bất cứ điều gì bằng vũ lực.
Trung Quốc kêu gọi Nhật Bản nối lại đàm phán về các đảo ở Biển Hoa Đông Trung Quốc. Trước đó, Tokyo đã công bố một sáng kiến tương tự. Các bên đã quyết định sẽ không gây căng thẳng quan hệ nữa và tạm thời làm chìm vấn đề tranh chấp lãnh thổ.
Đã phát ra lệnh "dừng lại", nhưng không phải lùi lại. Các cuộc bạo loạn chống Nhật ở Trung Quốc đã được ngăn chặn, giảm công kích lẫn nhau. Nhưng Tokyo không từ bỏ việc mua ba trong số năm hòn đảo tranh chấp từ một tư nhân. Về phần mình, Bắc Kinh cho rằng chủ quyền của mình đối với các hòn đảo nói trên là không thể tranh cãi, mặc dù hiện Nhật Bản đang kiểm soát chúng. Và Bắc Kinh cũng không muốn thảo luận vấn đề này tại các cuộc đàm phán trong tương lai. Với những điều kiện như thế, liệu có thể thỏa thuận được gì không? Chuyên gia của Viện Viễn Đông, ông Yakov Berger tỏ ra lạc quan một cách thận trọng trong trả lời câu hỏi này: “Tôi tin rằng điều này là có thể thực hiện, nếu có những nhượng bộ nhất định từ phía Nhật Bản. Đỉnh điểm mâu thuẫn thực sự đã qua. Chính quyền Trung Quốc đã kêu gọi dân chúng không sử dụng các biện pháp đấu tranh cực đoan vì chủ quyền đối với các hòn đảo. Các cuộc mít-tinh, biểu tình đã dịu đi. Vì vậy, nếu hai bên trở lại bàn đàm phán, thì tất nhiên, có thể tác động để vấn đề này được giải quyết bằng một cách nào đó. Cả hai bên đều không muốn một cuộc chiến tranh thương mại, và đặc biệt là dẫn tới xung đột vũ trang.”
Tổng biên tập tạp chí "Nước Nga trong nền chính trị toàn cầu", nhà phân tích chính trị Fyodor Lukyanov đồng ý rằng một nền hòa bình xấu dù sao cũng còn tốt hơn một vụ cãi cọ tốt: “Cuộc chiến tranh sẽ không xẩy ra, bởi vì thứ nhất, chiến tranh sẽ dẫn tới thiệt hại kinh tế khủng khiếp, bởi Trung Quốc và Nhật Bản đều phụ thuộc lẫn nhau. Thứ hai, nếu chúng ta hình dung rằng Trung Quốc quyết định thể hiện sức mạnh theo nghĩa đen, thì điều đó chắc chắn sẽ là món quà tặng dành cho Hoa Kỳ. Bởi vì kích động Trung Quốc mạo hiểm lúc này sẽ là điều mơ ước của những kẻ quan ngại về tương lai của Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng một Trung Quốc bị ai đó khiêu khích, trong bối cảnh hiện nay người đó vẫn sẽ nhận được một sự giáng trả quyết liệt. Nhưng Trung Quốc không đạt được bất cứ điều gì bằng vũ lực. Vì rằng, Trung Quốc sẽ bị tụt hậu mạnh mẽ và làm cho tất cả mọi người sợ hãi. Trung Quốc hiểu điều đó nên không sử dụng vũ lực.”
Hiện nay, Nhật Bản và Trung Quốc đều thấy rõ quy mô của sự thiệt hại to lớn mà cả hai bên đều phải gánh chịu trong cuộc đối đầu vì các hòn đảo. Ở Trung Quốc, hoạt động của các nhà máy ô tô Nhật Bản và các xí nghiệp điện tử khổng lồ bị đình chỉ, một số cơ sở đã bị đập phá. Các cửa hiệu bán đồ Nhật cũng như các restoran Nhật cũng chung số phận. Về phần mình, Trung Quốc cũng bị lỗ vì dòng khách du lịch Trung Quốc đến Nhật Bản bị đóng băng hoặc các chuyến bay lèo tèo khách đi. Nhân việc này, chuyên gia Jacob Berger nhận xét rằng Bắc Kinh thậm chí cấm các nhà xuất bản in sách về Nhật Bản: “Trên thực tế, tổn thất đối với cả hai bên là rất nghiêm trọng. Đối với Nhật Bản, nước này đặc biệt dễ bị tổn thương. Thật vậy, nền kinh tế Nhật Bản đã không thể phục hồi sau cuộc khủng hoảng toàn cầu nghiêm trọng, đặc biệt là sau trận sóng thần đã tàn phá ngành công nghiệp điện hạt nhân Nhật Bản. Và đối với Nhật Bản Trung Quốc là đối tác thương mại đầu tiên và quan trọng nhất, giờ đây Trung Quốc quan trọng hơn Hoa Kỳ. Thị trường Trung Quốc là lớn nhất, rộng nhất, có dung lượng mạnh nhất trên thế giới. Vì vậy, các nhà doanh nghiệp Nhật Bản không muốn mất đi thị trường Trung Quốc. Đối với Trung Quốc, Nhật Bản cũng rất quan trọng. Sự phá vỡ các quan hệ thương mại và đầu tư cũng sẽ làm tổn thương nghiêm trọng cơ hội xuất khẩu của Trung Quốc, sẽ dẫn đến việc đóng cửa hàng loạt xí nghiệp và làm tăng thất nghiệp trong nhiều vùng của Trung Quốc.
Đỉnh cao của sự đối đầu giữa Nhật Bản và Trung Quốc đối với các đảo trùng hợp với chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đến Nhật Bản và Trung Quốc. Bắc Kinh cho rằng tuyên bố của Mỹ về việc mở rộng hiệu lực của Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật Bản đối với cả các đảo tranh chấp, đã “đổ thêm dầu vào lửa” vào cuộc tranh chấp lãnh thổ này. Vì vậy, Trung Quốc đã đòi người đứng đầu của Lầu Năm Góc bảo đảm rằng Washington sẽ không đứng về phía nào trong cuộc tranh chấp song phương. Điều này, nếu xét về mọi khía cạnh, không thể vô hiệu hóa được lập luận của Mỹ rằng việc Trung Quốc tấn công các đảo Senkaku (Điếu Ngư) sẽ bị Mỹ xem như một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Mỹ. Đồng thời, rõ ràng là việc Mỹ không can thiệp vào cuộc xung đột song phương cho phép Nhật Bản và Trung Quốc không bị áp lực từ bên ngoài có thể tự mình quyết định nên xử trí thế nào trong khu vực tranh chấp.

Phải chăng lợi ích kinh tế quan trọng hơn chủ nghĩa dân tộc

Chủ đề: Ngoại giao quân sự của Hoa kỳ.
Trong khuôn khổ chuyến công du châu Á Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Leon Panetta đã thăm Nhật Bản và Trung Quốc, hai nước mà mối bang giao trong những tuần lễ đây đã bùng phát trở nên xấu đi vì tranh chấp lãnh thổ. Ông Panetta đã phải hoàn thành công việc khó khăn của một nhà ngoại giao trong điều kiện khi mà ở châu Á-Thái Bình Dương nổi lên sự phát triển sức mạnh của hai xu thế muốn loại trừ lẫn nhau. Xu thế thứ nhất là mở rộng và củng cố hợp tác kinh tế giữa các nước trong khu vực. Còn xu thế thứ hai là gia tăng đối đầu giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Các nền kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm cả Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc, trong thập kỷ qua đã đạt đến mức độ hội nhập-liên kết cao và có sự phụ thuộc vào nhau. Vì vậy cuộc đối đầu như là hiện thân nguy cơ phá hoại những liên hệ kinh tế song phương và đa phương hiện có, rõ ràng chẳng cần cho bất kỳ ai trong khu vực. Kể cả Hoa Kỳ, mà nền kinh tế từ lâu đã gắn bó chặt chẽ với kinh tế Nhật Bản và Trung Quốc.
Chính vì thế, trong quá trình chuyến thăm Tokyo và Bắc Kinh, Bộ trưởng Leon Panetta đã thực hiện sứ mệnh ngoại giao bất thường đối với người đứng đầu cơ quan Quốc phòng. Ở mỗi thủ đô của Đông và Bắc Á, ông Panetta đã nói đúng những lời mà người ta đang muốn nghe (hay) thấy từ vị đại diện Hoa Kỳ. Hoặc là nghe mà không phản đối, bằng thái độ rất ngoại giao. Chẳng hạn, không phản đối gì khi người đồng nhiệm Nhật Bản nhắc rằng quần đảo Senkaku nằm trong phạm vi hiệu lực của Hiệp ước song phương Nhật-Mỹ về quốc phòng. Còn tại Bắc Kinh, ông Panetta tuyên bố, Hoa Kỳ sẽ không đứng về bất kỳ bên nào trong cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Nhật Bản, và thậm chí còn thể hiện sự hiểu biết với quan điểm lịch sử của Trung Quốc về chủ quyền của nước này trên quần đảo Điếu Ngư.
Đồng thời, ông Panetta kêu gọi cả hai bên giải quyết vấn đề bằng phương pháp ngoại giao. Không rõ liệu ông có truyền đạt đến ban lãnh đạo Trung Quốc lời giải thích của chính phủ Nhật Bản về quyết định quốc hữu quần đảo Senkaku? Chính quyết định này đã gây ra đột biến bùng phát tình cảm chống Nhật Bản những ngày này ở Trung Quốc. Các đại diện chính quyền trung ương Nhật Bản nói rằng quyết định quốc hữu hóa những hòn đảo, để vùng lãnh thổ này sẽ không thành sở hữu địa phương của Tokyo với ông Thị trưởng Shintaro Ishihara nổi tiếng là người theo quan điểm dân tộc chủ nghĩa. Từ đó có thể chờ đợi việc tiến hành những hoạt động khiêu khích trên các hòn đảo tranh chấp.
Dù sao chăng nữa, trong thời gian chuyến thăm của ông chủ Lầu Năm Góc đến Bắc Kinh, những hoạt động chống Nhật ở toàn Trung Quốc đã đi vào thoái trào, còn chính quyền sở tại tiến hành bắt giữ các nhân vật hoạt động tích cực (rất có tác dụng).
Hàng loạt bước đi của người đứng đầu Lầu Năm Góc ở Bắc Kinh có thể đánh giá như nỗ lực nhằm tháo gỡ lo ngại của ban lãnh đạo Trung Quốc trước chính sách mới của Hoa Kỳ, thúc đẩy đưa hiện diện Mỹ trở lại châu Á-Thái Bình Dương. Bộ trưởng Panetta giải thích rằng chính sách này không nhằm kiềm chế Trung Quốc, mà hướng tới tạo lập một cấu trúc an ninh mới trong khu vực, trong đó Hoa Kỳ và Trung Quốc không phải là đối thủ mà là những đối tác. Để khẳng định những dự kiến tốt đẹp như vậy, ông Panetta đã mời Trung Quốc đến năm 2014 tham gia vào RIMPAC (Rim of the Pacific Exercise) – cuộc tập trận quốc tế hải quân thường kỳ tiến hành dưới sự bảo trợ của Hoa Kỳ. Trước đó, người ta không hề mời Trung Quốc tham gia vào hoạt động thao diễn quân sự này, tạo cơ sở để các chuyên viên, kể cả chuyên viên Trung Quốc, bàn luận về định hướng chống Trung Quốc của chính sách Mỹ. Có vẻ là sáng kiến của ông Panetta đưa ra lời mời Trung Quốc dự phần vào RIMPAC, cần phải tháo bỏ mối quan ngại của Bắc Kinh. Nhưng liệu người Trung Quốc có tin được vào ý định tốt đẹp của người Mỹ? Bởi khi đến Nhật Bản, ông Panetta đã thỏa thuận mở rộng hợp tác quân sự Mỹ-Nhật, trong đó có mở rộng hệ thống phòng thủ tên lửa. Chính thức mà nói, thì là để bảo vệ Nhật Bản khỏi nguy cơ tên lửa của Bắc Triều Tiên. Thế nhưng nhiều chuyên viên cho rằng viễn ảnh mối đe dọa tên lửa và hạt nhân của Bắc Triều Tiên chỉ là cái cớ. Không khó để thấy rằng hệ thống phòng thủ tên lửa tạo lập và triển khai ở Nhật Bản nhằm mục đích hàng đầu là chống Trung Quốc.

Iran cố tình tung tin đánh lạc hướng tình báo Anh về chương trình hạt nhân

Iran đã đánh lừa tình báo Anh MI-6 về chương trình hạt nhân của nước mình, bằng cách cố ý cung cấp những thông tin sai lạc. Đó là tuyên bố của Phó Tổng thống Iran Fereydoon Abbasi-Davani trong cuộc phỏng vấn của tờ báo Ả Rập "Al-Hayat". Ông này hiện dẫn đầu phái đoàn Iran tại phiên họp của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tại Vienna.
"IAEA tuyên bố nhận được thông tin từ cơ quan đặc nhiệm của các quốc gia thành viên, - ông Abbasi-Davani nói -. Bảy năm trước, chúng tôi đã theo dõi hoạt động của tình báo Anh ở nước ngoài, thu thập những thông tin mà vì thế các nhà khoa học hạt nhân của Iran đã bị đe dọa bởi những cuộc ám sát do các điệp viên an ninh Do Thái (Israel) tổ chức. Một phần tư liệu mà lãnh đạo Cơ quan (IAEA) dẫn ra, chính là liên quan đến những sự kiện này".
"Về phía mình, đôi khi chúng tôi đã cho những thông tin sai, để bảo vệ các chủ thể hạt nhân và lợi ích của đất nước. Động tác đó không thể tránh khỏi gây nhầm lẫn cho các cơ quan tình báo khác", - ông Fereydoon Abbasi tuyên bố. "Đôi khi chúng tôi làm như để lộ điểm yếu sơ hở ở nơi thực ra là kiên cố. Đôi khi chúng tôi phô trương sức mạnh ở nơi yếu. Sau đó tất cả trở nên rõ ràng trong các cuộc đàm phán với IAEA...", - ITAR-TASS đưa tin, dẫn lời Phó Tổng thống Iran.

Bắc Triều Tiên sẽ giúp Trung Quốc phá vỡ “Vòng cung phòng thủ tên lửa” của Mỹ

Châu Á đang đứng trước ngưỡng cửa của "cơn sốt tên lửa hạt nhân" mới. Mấy hôm trước, quân đội Hàn Quốc đã công bố việc chế tạo tên lửa đạn đạo có khả năng phá hủy các hệ thống pháo binh nằm trong boongke của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng đã nói rằng việc triển khai thêm tại Nhật Bản một hệ thống radar mới của Mỹ sẽ thúc đẩy Bắc Triều Tiên phát triển loại vũ khí hạt nhân mạnh hơn nữa. Chủ nhân Lầu Năm Góc Leon Panetta đã thỏa thuận về việc bố trí trạm rađa thứ hai tại Nhật Bản trong một chuyến thăm Tokyo mới đây. Lầu Năm Góc cảnh báo rằng tên lửa của Bắc Triều Tiên sẽ rơi xuống Nhật Bản trước tiên trong trường hợp xảy ra xung đột khu vực. Bởi lý do này, Mỹ sẽ bố trí trạm radar cảnh báo tên lửa thứ hai của mình trên các hòn đảo Nhật Bản.
Có thể dự đoán được phản ứng của Bình Nhưỡng một cách chẳng khó khăn gì. Họ tuyên bố rằng cường quốc vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới là Mỹ đang tăng cường tên lửa chống lại Bắc Triều Tiên. Vì vậy, phản ứng tự nhiên của Bắc Triều Tiên là phát triển tiềm năng hạt nhân của mình. Điều này được nêu trong thông cáo của Bộ Ngoại giao Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.
Chủ nhân Lầu Năm Góc đã giới thiệu radar thứ hai của Mỹ tại Nhật Bản trước khi bay từ Tokyo đến Bắc Kinh. Việc lựa chọn thời gian và địa điểm rõ ràng cho thấy ý định gây áp lực mới đối với Trung Quốc. Bắc Kinh đã tỏ ra rất khó chịu với trạm radar đầu tiên, lần này Hoa Kỳ lại tìm cách bố trí trạm thứ hai gần Trung Quốc hơn nữa. Tuy nhiên, Leon Panetta cho biết hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ không chống lại Trung Quốc, nhưng rõ ràng là ông ta đã nói dối. Phó Giám đốc Viện Mỹ và Canada Pavel Zolotarev nói:
“Mỹ có một mối quan tâm lớn là tiềm năng Trung Quốc càng gia tăng thì sức mạnh của Mỹ trong khu vực càng bị hạn chế. Và sự hạn chế sức mạnh Mỹ trước hết gắn với tiềm năng tên lửa của Trung Quốc. Vì vậy, người Mỹ đang tập trung phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa khu vực bằng cách vô hiệu hóa tiềm năng này của Trung Quốc. Đây chính là phương hướng chính của hệ thống phòng thủ tên lửa.”
Dựa trên nền kinh tế đang phát triển, Trung Quốc tìm cách khẳng định sự ngang bằng quân sự với Mỹ trong khu vực châu Á. Nếu không có điều đó, việc Trung Quốc tuyên bố là siêu cường thứ hai sẽ không thuyết phục. Tuy nhiên, Mỹ không bao giờ chịu đánh mất ưu thế chiến lược của mình đối với Trung Quốc. Để tự bảo vệ mình trong cuộc tranh chấp vị thế dẫn đầu khu vực, Mỹ xây dựng "vòng cung chống tên lửa" bao trùm toàn bộ Trung Quốc. Lầu Năm Góc đã bắt đầu bố trí một số tên lửa và radar tại Bahrain, Kuwait, Arabia Saudi và UAE. Mặt trận phía Đông cần phải dựa vào các căn cứ Mỹ tại Nhật Bản và Hàn Quốc.
Càng ngày, Philippines và Úc càng được gọi là những điểm mới, có khả năng xuất hiện các bộ phận phòng thủ tên lửa châu Á. Đặc biệt, Cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ đang xem xét khả năng bố trí trạm radar cảnh báo tên lửa thứ ba ở Philippines. Về vấn đề này, các nhà quan sát nhắc tới việc Mỹ công khai tuyên bố ý định quay lại căn cứ Subic Bay ở Philippines, nơi họ hiện diện cách đây 20 năm. Cơ sở này nằm gần biên giới của Trung Quốc – địa điểm hoàn hảo để theo dõi chính xác tên lửa đạn đạo phóng từ các khu vực phía Nam Trung Quốc.

Những vụ vi phạm thường xuyên (ở Mỹ) trong mọi lĩnh vực

Trong danh sách các vấn đề nhân quyền cấp bách nhất ở Hoa Kỳ có các hành động vi phạm quyền xã hội, nạn tham nhũng trong lĩnh vực chính trị và lạm dụng chức vụ trong các cơ cấu quyền lực. Bản báo cáo do Viện Dân chủ và Hợp tác của Nga chuẩn bị dẫn ra những thí dụ cụ thể. Theo cuộc nghiên cứu này, các vụ vi phạm mang tính chất thường xuyên, và cường độ của những hành động như vậy không giảm đi.
Đây là lần thứ tư Viện Dân chủ và Hợp tác hoạt động trên lãnh thổ Mỹ chuẩn bị báo cáo về nội dung này. Lần này, các nhà nghiên cứu phân tích toàn diện các vấn đề cấp bách nhất trong lĩnh vực nhân quyền ở Mỹ. Hiện nay, có thể nói về những hành động vi phạm trong hầu hết các lĩnh vực. Trong cuộc đàm đạo với phóng viên đài Tiếng nói nước Nga, một trong các tác giả của báo cáo Nikolay Pakhomov nhấn mạnh, ở đây nói không chỉ về các quyền cơ bản của con người: “Đáng tiếc, các vụ vi phạm nhân quyền ở Hoa Kỳ không thể được gọi là những "trường hợp cá biệt". Chúng tôi đang nói về nạn tham nhũng trong lĩnh vực chính trị và về những vụ vi phạm quyền xã hội. Nhân tiện xin nói luôn, khác với hầu hết các quốc gia, Hoa Kỳ không tham gia vào bất kỳ thỏa thuận quốc tế về các quyền xã hội. Chúng ta đang nói về những trường hợp khi nhân viên cơ quan bảo vệ pháp luật vượt quá thẩm quyền của mình và vi phạm quyền xã hội”.
Ngoài bản báo cáo này, các thành viên tổ chức Human Rights Watch đã nhiều lần báo cáo về việc các hành vi lạm dụng trong cảnh sát có quy mô lớn. Một bản báo cáo khác của các luật sư tập trung nghiên cứu rất nhiều trường hợp cảnh sát áp dụng các biện pháp tàn bạo khi giải tán các cuộc biểu tình ở những thành phố khác nhau của Hoa Kỳ. Nhiều cuộc điều tra của các nhà báo nói về việc, ở Mỹ, những nhân viên cảnh sát có dính líu vào các hành vi tội phạm như buôn lậu ma tuý và tống tiền, mà xã hội Mỹ đang tích cực đấu tranh chống tệ nạn này. Tại các cơ quan an ninh khác của Mỹ cũng ghi nhận nhiều trường hợp lạm dụng chức vụ. Điều này chủ yếu liên quan đến Cục Điều tra Liên bang - FBI. Chuyên viên Nikolay Pakhomov nhấn mạnh, đặc biệt nhiều vụ vi phạm liên quan tới thái độ bài ngoại đối với người nhập cư bất hợp pháp: “Trong các trường hợp cụ thể mà chúng ta đang xem xét nói về hành động vi phạm các quyền con người được bảo đảm bởi Hiến pháp Hoa Kỳ, các đạo luật khác của Hoa Kỳ và các điều ước và công ước quốc tế. Chúng tôi không cho rằng, Hoa Kỳ phải chấp nhận tất cả những ai muốn vào nước này. Nhưng, chúng tôi tin rằng, giống như mọi người khác, những người nhập cư bất hợp pháp đều xứng đáng được đối xử một cách nhân đạo. Nhưng, tiếc thay, không phải lúc nào có thái độ như vậy ở Mỹ”.
Các nhà hoạt động nhân quyền từ các tổ chức khác nhau không chỉ một lần nhấn mạnh rằng, hiện nay, ở Mỹ, các cơ quan nhà nước, kể cả cảnh sát, đều thể hiện thái độ định kiến đối với những người theo đạo Hồi. Điều đó xúi giục các cơ cấu xã hội cấp tiến chống Hồi giáo đang hoạt động công khai ở Mỹ. Trong số đó có cả Hiệp hội do Terry Jones thành lập. Chính nhân vật này đang tập trung nỗ lực để phổ biến bộ phim tai tiếng “Sự vô tội của người Hồi giáo”.

Thứ Hai, 17 tháng 9, 2012

Trong "Diễu hành chủ quyền" tất cả mọi phương tiện đều đắc lực

Philippines đang tích cực tham gia cuộc “Diễu hành chủ quyền" ở châu Á. Họ tuyên bố vùng biển phía Tây của quần đảo Philippines, bao trùm phần lớn Biển Hoa Nam (Biển Đông) là Biển Tây Philippines. Kết quả là vùng biển của Philippines sẽ bao gồm một phần của quần đảo Nam Sa và đảo Huanyan mà Trung Quốc coi là lãnh thổ của mình.
Philippines đã thông báo cho Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế khác về việc đổi tên chính thức của khu vực tranh chấp. Họ cũng đã đưa tên mới vào bản đồ của mình. Bắc Kinh đánh giá điều này là sự xâm lược bản đồ. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hong Lei nhấn mạnh rằng một thời gian dài cộng đồng quốc tế đã công nhận biển Hoa Nam là tên địa lý được biết đến một cách rộng rãi. Do đó, hành động của Philippines sẽ không thay đổi một thực tế là không thể tranh cãi chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo trong Biển Nam Hoa (tức Biển Đông), bao gồm cả quần đảo Nam Sa, đảo Huanyan và vùng biển lân cận.
Tuy nhiên, trong nhiều khía cạnh, chính bản thân Trung Quốc đã nêu gương xấu cho Philippines làm theo. Mùa hè này, Trung Quốc đã công bố một danh sách khoảng 40 tên hòn đảo và rạn san hô của quần đảo Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông, đang tranh chấp với Nhật Bản. Và Trung Quốc cũng không phải là nước đã khởi đầu trong việc lựa chọn phương pháp chứng minh chủ quyền. Trung Quốc đã phản ứng như vậy đối với hành động tương tự của Nhật Bản.
Philippines không giới hạn trong việc thay đổi địa danh trên bản đồ. Ngày 8 tháng 10 Thủy quân lục chiến Philippines và Hoa Kỳ sẽ bắt đầu cuộc tập trận chung để thử nghiệm phương pháp tấn công đổ bộ trên đảo. Tương tự như vậy, đầu tháng Chín, Hàn Quốc và Mỹ đã chuẩn bị để tổ chức tập trận chung. Nhưng cuộc tranh chấp cực kỳ trầm trọng giữa Seoul và Tokyo vì đảo Tokdo (Takeshima) đã buộc họ phải thay đổi cuộc tập trận chung này ở thời điểm cuối cùng. Thay vì đổ bộ lên đảo hai nước đã thực hành hoạt động quân sự nhằm đẩy lùi bước đột phá của không quân đối phương trong vùng biển tranh chấp.
Philippines cũng sẽ tăng lực lượng quân sự của mình ở tỉnh Palawan bằng một lữ đoàn thủy quân lục chiến. Khu vực này và quần đảo Nam Sa mà Philippines tuyên bố chủ quyền chỉ cách nhau một eo biển.
Và ở phía bên kia, như gần đây nhất là tháng Bảy, Trung Quốc đã bố trí lực lượng đồn trú phản ứng nhanh của mình. Khi đó bộ ngoại giao Philippines phản ứng cực kỳ gay gắt trước nỗ lực của Trung Quốc muốn biện minh cho chủ quyền của họ đối với quần đảo Nam Sa (tức Trường Sa). Và bây giờ Philippines thể hiện sự đáp trả tương tự. Phó Giám đốc Viện Viễn Đông Vladimir Portyakov nhận xét: “Tình hình là rất khó khăn. Chắc sẽ có một công thức nào đó, nhưng xung đột vũ trang là điều không nên. Không ai cần chiến tranh, nó sẽ gây tổn hại cho tất cả mọi người, sẽ ảnh hưởng lớn đến Trung Quốc trong con mắt của dư luận. Cần phải đàm phán với nhau. Vấn đề khó khăn là định dạng của cuộc đàm phán. Trung Quốc không muốn thảo luận với các nước ASEAN, bởi vì quần đảo này cũng được các nước như Việt Nam, Malaysia và Brunei tuyên bố chủ quyền. Trung Quốc khăng khăng đòi đàm phán song phương. Những người chống đối không muốn theo phương án này. Thêm vào đó, Trung Quốc phủ nhận nguyên tắc gần gũi về địa lý của hòn đảo để chứng minh chủ quyền. Điều này phần nào làm suy yếu vị thế của họ trong tranh chấp.”
Hiện nay, Trung Quốc đang tiến hành tranh chấp biển đảo trên hai mặt trận. Với Nhật Bản ở Biển Hoa Đông và với Philippin và Việt Nam ở Biển Nam Hoa (tức Biển Đông). Trên thực tế, trong trường hợp thứ hai, đằng sau đối thủ của Trung Quốc đã hiện ra lờ mờ cái bóng của Hoa Kỳ. Washington là đồng minh của Tokyo, và cũng xây dựng quan hệ đối tác với Manila và Hà Nội. Đó là chất kích thích mạnh mẽ đối với Trung Quốc gây tăng mức độ căng thẳng trong tranh chấp lãnh thổ. Hơn nữa, Bắc Kinh và Washington tiến hành cuộc chơi lớn nhằm chiếm sự thống trị ở châu Á. Và rõ ràng là cuộc xung đột quân sự biển đảo không hề thêm điểm cho họ trong cuộc chơi này.

Theo Tiếng nói nước Nga (tờ báo tôi yêu thích nhất bởi những bình luận sắc sảo, kịp thời, khoa học).

Thứ Bảy, 15 tháng 9, 2012

Cơn bão “vi rút độc” từ web, blog "đen"

 “Thông tin ảo” và “hiểm họa thật”
QĐND - Hàng trăm trang web, blog "đen" do hơn 400 tổ chức phản động trong và ngoài nước lập lên xen lẫn hàng trăm trang web, blog cá nhân với thông tin tốt – xấu, thật – giả lẫn lộn, có loại ẩn chứa âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch; có loại vô tình “nối giáo cho giặc”, “quá mù ra mưa”… Đỉnh điểm của hiểm họa từ những trang web, blog "đen” phải kể đến việc nhiều trang web đưa tin sai lệch, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước gần đây làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước. Thực trạng vấn đề này như thế nào, quản lý và xử lý loại “nấm độc thông tin” này ra sao? Nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã điều tra, tìm hiểu, bước đầu làm rõ về hiện tượng này…  (viên đạn Điện tử - Thông tin)
Hàng nghìn trang web, blog “đen”  (hàng trăm trang thui???)
Những ngày vừa qua, giữa lúc Đảng ta đang đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về “Một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay” và tình hình kinh tế - xã hội trong nước, thế giới đứng trước nhiều khó khăn thách thức do suy giảm kinh tế, một số trang web, blog "đen" đã lợi dụng tung ra nhiều thông tin “hậu trường” nhạy cảm. Những thông tin này liên quan đến nhiều chính sách kinh tế vĩ mô, đến vấn đề ngân hàng, tài chính và nhiều lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước nên đã tạo ra dư luận xã hội tiêu cực, gây hoang mang, lo lắng, suy giảm niềm tin của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng, Nhà nước. Nhiều tờ báo phản động hải ngoại và báo chí nước ngoài đã thi nhau “tung hứng”, suy diễn hoạt động các trang này giống như chúng được “tiếp tay” từ nội bộ, gắn với các vấn đề nhân sự cấp cao nhạy cảm. Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, đại diện cơ quan chức năng cho biết: Rồi đây, sự thật về những trang web, blog "đen" này sẽ được làm rõ nhưng thật ra, đây là hiện tượng không mới và không khó để nhận diện. Ngay từ năm 2000, khi có cái gọi là “Nghị hội liên kết người Việt tự do tại Mỹ” thì các thế lực thù địch đã xác định phải tận dụng công nghệ hiện đại để "phá vỡ sự bưng bít thông tin của cộng sản" và từ đó sự liên kết giữa phản động lưu vong với nội địa ngày càng chặt chẽ, từ chỗ chỉ qua thư tín rồi dần qua internet là chủ yếu. Theo thống kê của cơ quan chức năng thì đến nay, các tổ chức phản động bên ngoài đã lập ra hơn 400 trang web để truyền bá, phá hoại tư tưởng chống Việt Nam. Ngoài ra, còn có khoảng 380 báo, tạp chí và 60 đài phát thanh tiếng Việt cùng nhiều hãng thông tấn, tổ chức tôn giáo ở nhiều quốc gia cũng lập trang web chống phá Việt Nam. Cùng với đó, phải kể đến hàng trăm trang web, blog do một số trí thức, văn nghệ sĩ và các phần tử bất mãn trong nước lập nên lợi dụng danh nghĩa “phản biện xã hội” để xuyên tạc, kích động chống đối Đảng, Nhà nước.
Nhận diện “chiêu thức” hoạt động
Theo Đại tá, PGS, TS Nguyễn Trọng Đạo, Phó cục trưởng Cục A87, hoạt động lợi dụng internet chính là một âm mưu, thủ đoạn nguy hiểm để truyền bá, thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta.
Từ tìm hiểu, khảo sát của nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân, có thể khái quát một số hình thức hoạt động của các loại web, blog chứa đựng thông tin độc hại như sau:
Thứ nhất, loại blog, trang web tự xưng danh đại diện cho cộng đồng chống tham nhũng, dân oan đấu tranh đòi quyền lợi xung quanh giải phóng mặt bằng, những người đòi tự do thông tin, các nhà dân chủ,… để hoạt động như một tờ báo điện tử, đưa thông tin kích động, xuyên tạc về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Nội dung căn bản của những trang này vẫn là phá hoại tư tưởng, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, bôi nhọ hình ảnh, uy tín của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; xuyên tạc, tung tin về sự chia rẽ, phe phái, xung đột trong nội bộ Đảng, Nhà nước, Quốc hội; kích động khiếu kiện đất đai, chính sách dân tộc, tôn giáo… “Bọn phản động lưu vong triệt để lợi dụng internet lập nên các trang web, blog nhưng chúng “lập lờ” thông tin thật giả, tốt xấu nên có khi người dân rất khó biết có phải trang phản động hay không, chỉ cơ quan an ninh mới biết rõ. Chính vì thủ đoạn dùng 50-70% thông tin đúng sự thật nên nhiều người dễ dàng bị lôi cuốn theo chúng ” - Đại diện cơ quan chức năng cho biết. Đến nay, theo điều tra của cơ quan chức năng, đã có cơ sở cho thấy, tổ chức phản động lưu vong Việt Tân là một trong những nơi sản sinh ra nhiều web, blog phản động. Hiện nay, tổ chức này đang chuẩn bị “đại hội” nên càng ráo riết lợi dụng web, blog để “diễu võ dương oai”. Còn một trang mạng khác gần đây đang được tung hô đình đám, theo cơ quan chức năng đây cũng là sản phẩm của phản động lưu vong chứ không phải có nguồn gốc từ trong nước như thông tin suy đoán. Có trang web do tổ chức phản động lưu vong đứng sau chỉ trong 3 tháng qua đã đăng hàng trăm tin, bài xuyên tạc. Những âm mưu ấy là không mới, phản động lưu vong đã dùng “chiêu” này từ lâu. Gần đây, chúng cho “kích nổ” dồn dập hơn nhằm phá hoại việc triển khai Nghị quyết Trung ương 4 của ta.
Thứ hai, cũng có không ít trang đi theo hướng “chuyên đề” như trang của ông N.X.C tự xưng là “chuyên gia kinh tế”, “Thủ tướng tương lai”, “nhà tiên tri tài chính”. Trang này chủ yếu đưa thông tin liên quan đến tình hình kinh tế nhưng thực chất là xuyên tạc, phá hoại về kinh tế. “Nhà tiên tri” này đưa ra nhiều dự báo sai, lạc lõng so với thực tế, giống như một “nhà kinh tế… hoang tưởng” mà một số người tin theo, làm theo đã bị thiệt hại nghiêm trọng. Lại có trang lượm lặt thông tin từ báo chí Việt Nam và nước ngoài, thậm chí cả các blog kèm theo những bình luận, suy diễn thiên lệch…
Thứ ba, phải kể đến loại web, blog của một số nhân sĩ, trí thức, nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu, trong đó có cả một số người đang công tác (hoặc đã từng công tác) tại các cơ quan Nhà nước nhưng thường xuyên đăng tải, phát tán thông tin tốt xấu lẫn lộn, có nhiều tin bài không chính xác, thậm chí sai trái, phản động…Hiện nay, có một số cán bộ, đảng viên, trong đó có cả những người từng là cán bộ quản lý cấp cao viết bài, phát tán nội dung trái với đường lối quan điểm của Đảng, Nhà nước và bị lôi kéo, lợi dụng. Cùng với đó phải kể đến một số trí thức, văn nghệ sĩ và thành phần bất mãn, chống đối lợi dụng danh nghĩa “phản biện xã hội” để phê phán, phản đối chính sách của Đảng, Nhà nước ta trong giải quyết quan hệ Việt – Trung ở Biển Đông, dự án Bô-xit Tây Nguyên, thổi phồng, bôi đen những tiêu cực xã hội… Đáng chú ý là những trang web, blog này được các thế lực thù địch phản động thường xuyên lấy lại tin bài, thậm chí “tài trợ” để tạo dựng ngọn cờ, tạo dư luận, tập hợp lực lượng chống đối. Theo Cục A87, điển hình như vụ việc xảy ra ở Tiên Lãng - Hải Phòng, một đối tượng thông qua blog cá nhân đã viết hàng trăm tin bài sau đó tập hợp xin xuất bản cuốn sách “Tiên Lãng” nhằm phê phán, kích động thiếu căn cứ.
Thứ tư, các thế lực thù địch và cực đoan đang triệt để lợi dụng các diễn đàn, mạng xã hội, nhiều nhất là trên facebook, youtube là những mạng có khả năng phát tán nhanh, tác động mạnh đến nhiều tầng lớp trong xã hội để chống phá, kêu gọi biểu tình, tán phát tài liệu phản động, hình ảnh, phim, clip bôi nhọ, xuyên tạc…
Thứ năm, xuất hiện nhiều trang web, blog có máy chủ đặt tại nước ngoài mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước tuy chưa có nhiều thông tin sai trái nhưng đều không phải là trang tin chính thức, có thể gây nhiễu loạn thông tin và ẩn chứa những động cơ đen tối. Những trang này số lượng lên tới hàng trăm, riêng các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị mỗi đồng chí có tới 4-5 trang bị mạo tên, trang nào cũng rất nhiều tin, bài, hình ảnh, clip cập nhật, lượm lặt từ báo chí và nhiều nguồn khác nhau. Đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Bí thư thành ủy Đà Nẵng là một trong những nạn nhân của những trang tin giả mạo này đã phải chính thức lên tiếng trên báo chí nói rõ sự thật. Cơ quan chức năng cho biết, đứng đằng sau những trang web mạo danh này, không ai khác, vẫn là phản động lưu vong.
Đánh giá về tác hại nguy hiểm của các trang web, blog phản động, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn cho rằng: “Việc tiếp tục phát tán thông tin như vậy vào Việt Nam là hết sức nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng, gây hoài nghi trong nhân dân về vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta, gây tác động rất xấu trong dư luận xã hội”.
NGUYÊN MINH, NGUYỄN HÒA, NGỌC HƯNG (Báo QĐND).

Thứ Tư, 12 tháng 9, 2012

Điều tra, xử lý nghiêm việc đăng tải thông tin chống Đảng và Nhà nước

Ngày 12/9, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, xử lý việc đăng tải thông tin có nội dung chống Đảng và Nhà nước.
Qua xem xét các báo cáo số: 277/BC-BCA-A61 ngày 15/6/2012, số 335/BC-BCA-A61 ngày 09/7/2012 của Bộ Công an; công văn số 78/BTTTT-PTTH&TTĐT ngày 29/6/2012 của Bộ Thông tin và Truyền thông; công văn số 2794-CV/BTGTW ngày 19/7/2012 của Ban Tuyên giáo Trung ương và báo cáo số 172-BC/VPTW ngày 07/9/2012 của Văn Phòng Trung ương Đảng về tình trạng một số trang thông tin điện tử như: “Dân làm báo”, “Quan làm báo”,”Biển Đông”… và một số trang mạng khác, đã đăng tải thông tin vu khống, bịa đặt, xuyên tạc, không đúng sự thật nhằm bôi đen bộ máy lãnh đạo của đất nước, kích động chống Đảng và Nhà nước ta, gây hoài nghi và tạo nên những dư luận xấu trong xã hội. Đây là thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan chức năng tập trung chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo các cơ quan cung cấp thông tin khách quan, đúng sự thật về tình hình các mặt của đất nước ta, nhất là các vấn đề mà dư luận quan tâm; chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý nghiêm việc thông tin, tuyên truyền không đúng sự thật. Khẩn trương trình Nghị định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng.
Báo Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường cung cấp thông tin kịp thời, chính xác và chủ động phản bác các thông tin không đúng sự thật, xuyên tạc, chống Đảng và Nhà nước.
Các Bộ, ngành, các địa phương lãnh đạo cán bộ, công chức, viên chức không xem, không sử dụng, loan truyền và phổ biến các thông tin đăng tải trên các mạng phản động.

Phương pháp hạn chế tác động của các thông tin xấu trên các Website và Blog:
1/ Cần tăng cường phổ biến kịp thời, cung cấp thông tin nhiều chiều cho cán bộ, nhân dân được biết. Nhu câu thông tin là nhu cầu chân chính và quan trọng bậc nhất của con người. Con người không thể sống và phát triển bình thường nếu thiếu thông tin. Đặc biệt là con người trong thời đại thông tin.
2/ Kịp thời cung cấp các thông tin "phản chiếu", giải thích rõ đâu là sự thật, thông tin thật.
3/ Ngăn chặn tường lửa với các nguồn (Website và Blog) thông tin bịa đặt, không chính xác.
4/ Dùng đội quân chuyên gửi các "comments" phản bác (chế áp lại qua kênh này) để giảm tác hại thông tin xấu.
5/ Tuyên truyền trong nhân dân các điểm sai, các Website và Blog thường xuyên có các thông tin sai để nhân dân cảnh giác và đề phòng.
6/ Sử dụng các biện pháp nghiệp vụ mạng.

Lầu Năm Góc đặt hàng các trạm vô tuyến 800 triệu dollar

Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã trao cho các hãng Harris và Thales Communications thưc hiện hợp đồng cung cấp trạm vô tuyến cơ động, - như tin đưa của Defense Aerospace. Tổng giá thành giao kèo là 766 triệu dollar, nhưng nếu tất cả các hạng mục chi tiết theo hợp đồng được hoàn thành thì tổng mức sẽ lên tới 1,3 tỷ dollar. Những trạm vô tuyến cụ thể như thế nào cần thiết kế chế tạo thì hiện không rõ. Mốc bàn giao cần phải là tháng Chín 2014.



Các trạm vô tuyến với chương trình xác định có khả năng hoạt động trong bất kỳ dải băng tần liên lạc và tiếp nhận đủ loại tín hiệu khác nhau. Ngoài ra, các trạm cho phép giao tiếp với điện thoại di động và các phương tiện viễn thông di động. Tất cả các thiết bị được điều khiển bởi chương trình phần mềm và có đủ khả năng bảo mật với thông tin truyền đi cũng như hỗ trợ công việc với giao thức vô tuyến biến đổi.

Sự khiêu khích chưa từng thấy

Giả như Bình Nhưỡng thông báo về việc tiến hành tập trận, mà trong quá trình đó quân đội Bắc Triều Tiên thao diễn hành động theo kịch bản đánh chiếm Hàn Quốc, thì hẳn sẽ trở thành tin chấn động toàn thế giới. Chắc là nếu thế thì Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ phải nhóm họp khẩn cấp và lớn tiếng yêu cầu cùng răn bảo đối tượng hiếu chiến manh tâm xâm lược. Thế còn tin của tờ báo Hàn Quốc "Don Ilbo" phát tán, rằng trong các cuộc diễn tập gần đây, lực lượng binh sĩ Hàn Quốc và Hoa Kỳ đã hoạch định kịch bản quân sự chiếm đóng miền Bắc bán đảo Triều Tiên thì lại hầu như chẳng ai mảy may chú ý.
Tiêu chuẩn kép trong việc đánh giá tình hình trên bán đảo Triều Tiên bộc lộ rất rõ ở đây, - chuyên viên Konstantin Asmolov từ Viện Nghiên cứu Viễn Đông (Viện Hàn lâm khoa học Nga) nhận xét.
“Người Bắc Triều Tiên phóng vệ tinh nhân tạo, và cả thế giới náo động, như thể Bình Nhưỡng dám phóng tên lửa quân sự ghi những ký tự lớn "Nhằm đích Seoul", "Nhằm đích Tokyo". Còn khi Nam Triều Tiên tổ chức diễn tập quân sự với đề cương cụ thể, thực hành những mục đích cụ thể theo kịch bản đánh chiếm miền Bắc, thì chúng ta thấy thế giới bên ngoài chẳng hề có phản ứng gì”.
Quân đội Hàn Quốc đã tiến hành tập trận chung với lực lượng Hoa Kỳ từ hồi tháng Tám. Tuy nhiên, kịch bản của cuộc diễn tập huyền thoại thì chỉ bây giờ thiên hạ mới được biết. Đó là đánh vào CHDCND Triều Tiên và bình định tình hình sau khi đội quân Hàn Quốc chiếm đóng toàn bộ vùng lãnh thổ miền Bắc. Cụ thể, hàng chục ngàn quân nhân Hàn Quốc và Mỹ đã tập dượt cách khôi phục hoạt động của các cơ quan chính quyền ở miền Bắc và dành hỗ trợ cho cư dân trên địa bàn sau khi hoàn thành kịch bản quân sự thống nhất hai phần của bán đảo Triều Tiên. Lần đầu tiên, người ta đặt ra nhiệm vụ như thế trước cuộc tập trận chung, - ông Konstantin Asmolov nhận định.
“Trước đây trong tập trận đã thao diễn hành động ở trường hợp giả định xảy ra cuộc tấn công của miền Bắc. Ít nhất thì miền Nam cũng có thể nói rằng đó là quyền của họ tổ chức các cuộc diễn tập bảo vệ quốc gia trước kẻ thù bên ngoài. Còn bây giờ bản chất của cuộc tập trận lần này rất gần với hành động khiêu khích. Những nhà tổ chức thao diễn quân sự đang cố tình nắn gân và chọc vào hệ thần kinh không chỉ riêng của Bắc Triều Tiên. Về thực chất, ở đây nói về việc phô trương xu thế hiếu chiến, động chạm đến lợi ích của toàn thể khu vực châu Á-Thái Bình Dương”.
Tương lai thống nhất hai miền Triều Tiên trong cái nhìn của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak không có cách nào khác hơn là miền Nam thôn tính miền Bắc. Đối với Bình Nhưỡng điều đó tương đương với lời tuyên chiến. Không ngẫu nhiên mà sau khi kêu gọi Seoul bổ sung kinh phí cho Quỹ thống nhất hai miền Triều Tiên, lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong Un cũng ra lệnh cho quân đội trong nước nâng cao mức sẵn sàng chiến đấu. Ông Kim cũng đã ký kế hoạch phản công tổng lực đích đáng trong trường hợp xảy ra động thái khiêu khích từ phía Hàn Quốc và Hoa Kỳ.
Cuộc tập trận Mỹ-Hàn cho thấy Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên không quan tâm đến việc giảm bớt độ căng thẳng trong khu vực. Trò chơi quân sự rõ ràng xích gần đến khả năng diễn biến vũ lực trên bán đảo Triều Tiên. Xét theo mọi điều, tiếp theo sẽ là việc điều chỉnh học thuyết quân sự của Bình Nhưỡng, và hệ thống tuyên truyền của Bắc Triều Tiên chắc sẽ triển khai hoạt động theo nội dung chống lại chiến dịch của những kẻ thù dân tộc ở miền Nam.
Không nên quên rằng Bắc Kinh cũng chẳng thể bàng quan theo dõi Seoul và Washington công nhiên diễn tập kế hoạch nuốt trọng đồng minh thân cận nhất của Trung Quốc. Chẳng có gì bí mật rằng miền Bắc bán đảo Triều Tiên là khu vực ảnh hưởng truyền thống của CHND Trung Hoa. Đương nhiên là Bắc Kinh sẽ làm tất cả để lợi ích của mình không bị thiệt hại. Bởi nếu không, thay vì một nước chư hầu, Trung Quốc sẽ nhận được một quốc gia mới đáng gờm với những căn cứ quân sự của người Mỹ sát nách biên giới nước mình.

Thứ Ba, 11 tháng 9, 2012

Các phương tiện truyền thông lớn của Trung Quốc đăng bài lên án trò hề " mua đảo" của Nhật Bản

Theo Tân Hoa xã và Mạng Nhân dân: Gần đây, các phương tiện truyền thông lớn của Trung Quốc đồng loạt đăng bài lên án việc Chính phủ Nhật Bản sắp đặt trò hề "mua đảo". Tân Hoa xã ngày 10/9 đăng bài bình luận nhan đề " Chính phủ Nhật Bản đang tiến hành một canh bạc đầy nguy hiểm" chỉ rõ, Nhật Bản bất chấp sự phản đối kiên quyết và phản ứng nghiêm khắc của Trung Quốc, rắp tâm thúc đẩy tiến trình "mua đảo", đã làm tổn hại nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc, phương hại tới tình cảm dân tộc của Trung Quốc, khiến quan hệ Trung-Nhật đứng trước thách thức gay cấn nhất kể từ khi bước vào thế kỷ mới.
Nhân dân Nhật báo số ra ngày 11/9 đăng bài của bình luận viên nhan đề "Đảo Điếu Ngư của Trung Quốc lẽ nào lại để cho phép người khác tuỳ tiện 'mua bán'" chỉ rõ, Trung Quốc khuyến cáo Chính phủ Nhật Bản nhận rõ tình hình, kịp thời tỉnh ngộ, lập tức đình chỉ toàn bộ hành động xâm phạm chủ quyền tại đảo Điếu Ngư.

Thứ Năm, 6 tháng 9, 2012

Chuyến thăm không hiểu lẫn nhau

Sự căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington không được cởi bỏ, các bên không đạt được bất kỳ thỏa hiệp nào về một vấn đề đang làm ảm đạm quan hệ của họ. Đó là tổng kết khái quát về chuyến công du của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đến Trung Quốc.
Trung Quốc và Hoa Kỳ là những đối tác, và sự phụ thuộc của họ vào nhau sẽ chỉ gia tăng. Đây có lẽ là điều duy nhất mà các bên đồng thuận. Thế nhưng ông Dương Khiết Trì mời bà Hillary Clinton đến Bắc Kinh hẳn không phải chỉ để đưa ra nhận xét như vậy. Trung Quốc muốn nghe lời đáp cho câu hỏi chính – Hoa Kỳ đã sẵn sàng hay chăng để xây dựng một loại hình mới của quan hệ song phương.
Khái niệm này đang được Bắc Kinh tích cực đưa vào sử dụng, sau khi Washington tuyên bố trở lại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và mở rộng hiện diện quân sự của Hoa Kỳ tại đó. Trung Quốc nhìn thấy trong chiến lược mới này mối đe dọa cho lợi ích của mình và bắt đầu trò chơi phản công. Trong khái niệm "mối quan hệ kiểu mới” của Bắc Kinh chứa đựng những ý tưởng nhất định, - chuyên viên Aleksandr Larin từ Viện Viễn Đông (Viện Hàn lâm khoa học LB Nga) nhận xét.
“Người Trung Quốc muốn Hoa Kỳ cần phải tính đến sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc để không đối đầu với nước này, mà đi tới những nhượng bộ nào đó. Tức là có ý rằng Hoa Kỳ cần phải chấp nhận sự phát triển thế lực và ảnh hưởng của Trung Quốc ở Đông Á nói riêng cũng như khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung. Trung Quốc xem vùng địa bàn này như là khu vực quyền lợi quan trọng sống còn và cố gắng củng cố vị thế của mình tại đây”.
Thế nhưng Hoa Kỳ không làm như vậy. Những cuộc thương lượng của bà Hillary Clinton với các nhà lãnh đạo Trung Quốc thể hiện rõ điều đó. Mỗi bên vẫn theo cách của mình. Mà như thế có nghĩa là đối đầu sẽ chỉ tăng thêm. Cụ thể, do thực tế Hoa Kỳ công khai ủng hộ lập trường của Nhật Bản, Philippines và Việt Nam trong cuộc tranh chấp cùng Trung Quốc về các đảo và vùng biển Hoa Đông và Hoa Nam (Biển Đông). Xét theo mọi điều, Ngoại trưởng Hillary Clinton đã không giảm nhẹ lập trường của người Mỹ trong nội dung này. Nếu không, thì Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã chẳng đưa ra tuyên bố rằng Hoa Kỳ cần đóng vai trò xây dựng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và thực sự tôn trọng chủ quyền cùng toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc. Trung Quốc cho rằng các lãnh thổ tranh chấp là thuộc sở hữu của mình và đánh giá tham vọng của các nước láng giềng như là xâm phạm chủ quyền của CHND Trung Hoa.
Tại cuộc hội đàm, cả Chủ tịch Hồ Cẩm Đào cũng như Phó Thủ tướng Lý Khắc Cường đều không nhìn thấy phản ứng nào của Ngoại trưởng Hoa Kỳ với đòi hỏi chấm dứt phân biệt đối xử. Mà cụ thể đó là giảm nhẹ hạn chế xuất khẩu vào Trung Quốc những sản phẩm công nghệ cao và tạo lập điều kiện cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vốn vào nền kinh tế Mỹ. Thiếu vắng tiến bộ trong lĩnh vực này chỉ làm tăng sự thất vọng của phía Trung Quốc sau các cuộc đàm phán.
Về chi tiết hủy bỏ cuộc gặp của Phó Chủ tịch Tập Cận Bình với Ngoại trưởng Hillary Clinton, chuyên viên Aleksandr Larin cho rằng gắn trực tiếp với tình thế không kết quả sau các cuộc đàm phán ở Bắc Kinh. “Việc ông Tập Cận Bình không có nguyện vọng gặp bà Hillary Clinton cần xem như là cử chỉ tượng trưng với hàm ý chính trị. Điều này phô trương thái độ bất mãn của Bắc Kinh đối với chính sách hiện hành của Washington. Đây là cử chỉ hoàn toàn rõ ràng, và hẳn là Hoa Kỳ cũng đánh giá như vậy”.
Hàng loạt chuyên viên ghi nhận thêm một nguyên nhân khác trong việc hủy cuộc gặp của ông Tập Cận Bình và bà Hillary Clinton. Như người ta đồn đoán, ông Tập sắp tới sẽ giữ cương vị Chủ tịch CHND Trung Hoa. Còn Ngoại trưởng đương nhiệm của Hoa Kỳ thì lại bị nhiều người mệnh danh là "con vịt què". Giới quan sát viên thậm chí còn tiên đoán về vụ từ chức sắp xảy đến của bà Clinton, vì những thất bại rõ ràng của nền ngoại giao Hoa Kỳ. Dù sao chăng nữa, người ta thấy rằng trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì đã cố gắng xoa dịu tình hình. Ông Dương bày tỏ hy vọng rằng "công luận sẽ kiềm chế khỏi sự đầu cơ không cần thiết" về cuộc gặp bất thành đó.