Thứ Năm, 6 tháng 6, 2013

Cuộc tấn công khí đốt của Trung Quốc tại Myanmar

Khí gas từ vịnh Bengal sẽ đi trực tiếp vào Trung Quốc. Đã hoàn thành xây dựng đường ống dẫn khí đốt từ bờ biển phía tây của Myanmar đến biên giới với tỉnh Vân Nam thuộc Trung Quốc. Sau 2-3 tháng nữa sẽ đưa vào vận hành cả đường ống dẫn dầu, chạy song song với nhánh đường dẫn khí gas. Trung Quốc đang hoàn tất bước đột phá năng lượng từ Ấn Độ Dương qua Myanmar trong bối cảnh lan tràn những cuộc biểu tình của cư dân địa phương Myanmar tại những khu vực có đường ống chạy qua, và những cố gắng của Hoa Kỳ, Nhật Bản và EU nhằm hạn chế thế lực của Trung Quốc ở đất nước này.
Đường ống dẫn khí đốt dài 800 km được xây dựng trong 4 năm. Trung Quốc sẽ khai thác đường ống này trong 30 năm kèm theo quyền gia hạn hợp đồng. Khí gas được khai thác trên thềm lục địa Vịnh Bengal. Dầu mỏ cũng được tàu chở dầu vận chuyển đến từ Trung Đông. Dành để tiếp nhận những con tàu này, Trung Quốc đang kiến thiết một cảng nước sâu.
Hình minh họa
 Mới đây, trong cuộc gặp Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc Liêu Yunyuan, Tổng thống Myanmar U Thein Sein đã bật đèn xanh chấp thuận cho xây dựng một nhà máy lọc dầu. Tuyên bố trên đã được đưa ra ngay sau cuộc hội đàm của ông Thein Sein với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tại Nhà Trắng và với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Naypyidaw. Washington và Tokyo tháo bỏ trừng phạt kinh tế chống chế độ ở Myanmar và dự định theo gương Trung Quốc tiến hành tại đó những bước nhảy vọt, - ông Valery Kistanov Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản của Viện Nghiên cứu Viễn Đông (thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga) nhận xét.
“Myanmar đang trở thành đối tượng của cuộc đua tranh địa chính trị giữa các cầu thủ lớn ở châu Á-Thái Bình Dương là Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản. Mỗi nước đều có lợi ích của mình ở đó. Washington và Tokyo tháo bỏ trừng phạt Myanmar, để từ đó hạn chế tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực. Lợi dụng tình thế chế độ Myanmar trong suốt thời gian dài không liên hệ với phương Tây do chính sách trừng phạt, Trung Quốc tìm mọi cách thâm nhập vào nước này, dành viện trợ kinh tế và xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn. Hiện nay Myanmar là một trong những trụ cột của Trung Quốc ở vùng Đông Á. Khí gas và đường ống dẫn dầu sẽ tạo điều kiện cho họ nhận hydrocarbon trực tiếp, chứ không cần qua eo biển Malacca nằm trong quyền kiểm soát của Hoa Kỳ”.
Cả hai đề án này đều có tầm quan trọng chiến lược đối với Trung Quốc. Đường ống đi vào vận hành sẽ hạ thấp khả năng của Hải quân Hoa Kỳ trong trường hợp xảy ra xung đột làm gián đoạn huyết mạch quan trọng cung cấp năng lượng cho Trung Quốc từ nguồn Trung Đông. Quả thực, quá trình lắp đặt đường ống dẫn khí đốt và dầu mỏ luôn song hành với những cuộc biểu tình gay gắt của cư dân sở tại. Các chủ trang trại và nông dân đòi hỏi đền bù công bằng cho những diện tích đất phải giải phóng và chuyển nhượng để lấy chỗ xây dựng. Mà những người dân này đã cày cấy gieo trồng trên mảnh đất này bao đời nay. Người Myanmar cũng phẫn nộ với thực tế là dầu mỏ và khí đốt đi qua đất đai của họ để chảy đến Trung Quốc, trong khi dân địa phương tiếp tục kiếm củi nấu ăn. Hoạt động biểu tình chống đối xui khiến các công ty Trung Quốc áp dụng chiến thuật lấy lòng dân của những tập đoàn phương Tây và tỏ ra chăm lo công việc từ thiện. Cụ thể, Tổng công ty Dầu khí Quốc gia Trung Quốc đã cấp 20 triệu dollar để xây dựng trường học và bệnh viện ở Myanmar.
Còn có cả những bước đi đã được thực hiện để củng cố hậu phương chính trị của Trung Quốc ở Myanmar. Chính quyền Trung Quốc ủng hộ đề nghị của cộng đồng người Hoa về xây dựng đài tưởng niệm vinh danh sự tham gia của quân đội viễn chinh Trung Quốc tại Birma trong những năm Thế chiến II. Quân Trung Quốc đã chiến đấu trên địa bàn Myanmar ngày nay, chống lại quân Nhật. Trong nhiều năm dài, trang này của lịch sử từng là cấm kỵ không được nói tới, bởi đánh nhau với quân Nhật ở Birma là binh sĩ lực lượng Quốc dân đảng, chứ không phải quân nhân cộng sản. Việc tôn vinh chiến công của quân đội Trung Quốc tại Birma và phần đóng góp của họ vào chung cục thắng lợi của Thế chiến II ở châu Á là động thái mang ý nghĩa địa chính trị, - ông Vladimir Evseev Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính trị-Xã hội nhận định.
“Nếu giấu diếm che đậy rằng ai là người thực sự tham gia các chiến dịch trên lãnh thổ Birma, như sau khi kết thúc chiến tranh, thì ít có lợi. Còn nếu công khai sự thật lịch sử, thì sẽ là một điển hình thành công của sự hợp tác. Sau đó, người ta có thể mạnh dạn mà nói rằng, chúng ta đã cộng tác trong chiến tranh, như vậy ngày nay sẽ lô-gic hợp lý khi phát triển hợp tác, bởi chúng ta là những quốc gia thân thiện với nhau”.
Việc xét lại lịch sử chiến tranh ở Birma là chiêu thức chính trị mạnh của Trung Quốc. Đây cũng là lời cảnh báo với Washington và Tokyo, rằng quân đội Trung Quốc đã đập tan lực lượng quân phiệt Nhật ở Birma không phải để ngày nay ai đó dễ dàng đoạt lấy Myanmar từ vòng ôm Trung Quốc.
Theo TNN Nga.