Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

Một phóng viên người Mỹ bị giữ tại Thượng Hải vì vi phạm mục tiêu quân sự

Thượng Hải - Trung Quốc
Tại Thượng Hải, Trung Quốc, một phóng viên người Mỹ đã bị giữ hôm 19 tháng 2 vì quay video trái phép một đơn vị quân sự. Hoàn cầu Thời báo Trung Quốc cho biết rằng, đơn vị quân đội này đã được nhắc tới trong báo cáo của Mandiant như một trung tâm gián điệp không gian mạng chống Hoa Kỳ.

Không có thông tin gì thêm về số phận phóng viên. Tuy nhiên, theo như đoạn băng xuất hiện trên trang BBC, nhà báo phương Tây có thể không những đã được tha mà còn nhận lại toàn bộ thiết bị hành nghề.

Thứ Tư, 20 tháng 2, 2013

Các bài trên Blog từ 24/9/2012 - 21/2/2013

▼  2012 (58) ▼  tháng chín (18)

Thứ Ba, 19 tháng 2, 2013

Pakistan giúp Trung Quốc và Iran hiệp lực đối phó Hoa Kỳ

Iran và Trung Quốc đang tăng cường sự hiện diện trong vùng Vịnh. Ngày 18 tháng Hai, Pakistan chính thức chuyển cho Trung Quốc quyền kiểm soát cảng Gwadar gần eo biển Hormuz. Một ngày trước đó, nước Cộng hòa Hồi giáo Iran công bố xây dựng căn cứ hải quân tại cảng Pasabandar, trên bờ Vịnh Oman. Căn cứ sẽ chỉ cách cảng Gwadar 30 cây số.

Không ai biết, liệu hai động thái có vô tình xuất hiện cùng. Hiệp định chuyển quyền kiểm soát cảng Gwarda cho Trung Quốc đã được cơ quan có thẩm quyền của Pakistan chấp thuận về nguyên tắc hồi cuối tháng Giêng. Thông qua các kênh ngoại giao, Tehran có thể nhận được từ Bắc Kinh thông tin Trung Quốc và Pakistan hoàn thành thủ tục bàn giao kiểm soát Gwadar ngày 18 tháng 2. Để tăng thêm ấn tượng lập căn cứ hải quân ở Pasabandare, rất có thể Iran quyết định công bố điều này một ngày trước khi thỏa thuận giữa Trung Quốc và Pakistan được chính thức ký.

Bắc Kinh và Tehran vốn là các đối tác chiến lược. Họ thừa sức xây dựng một kịch bản chung Gwadar - Pasabandar nhằm đạt sự hiệp lực chính trị và kinh tế. Nhất là khi các lợi ích địa chính trị của cả hai bên liên quan tới những đề án mới này rất tương đồng.
Cảng Gwadar tọa lạc ở vị trí "cổ họng" chiến lược của Vịnh Ba Tư. Từ đây chỉ 400 km là đến eo biển Hormuz, hành lang vận tải dầu và khí hóa lỏng của Trung Đông cho Trung Quốc, - chuyên gia Boris Volkhonsky thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Nga nhận xét:
“Đối với Trung Quốc, cảng Gwarda không chỉ quan trọng về lợi nhuận, thậm chí không chỉ có giá trị về mặt giảm chi phí vận tải nhiên liệu từ châu Phi và Trung Đông. Ý nghĩa của cảng nổi bật sau thực tế đối thủ địa chính trị của Trung Quốc là Hoa Kỳ bày tỏ chuyển dịch trọng tâm chiến lược của mình tới khu vực Châu Á-Thái Bình Dương cách đây gần một năm. Mỹ bắt đầu tích cực hiện diện quân sự ở các nước mà Trung Quốc không có mối quan hệ thật sự tin cậy. Trong đó có Philippines và đặc biệt quan trọng là Singapore, quốc gia đứng ở mũi đất phía nam bán đảo Malay. Phần hẹp nhất của eo biển Malacca là lối đi trọng tâm của hoạt động vận tải biển nhiên liệu hydrocarbon sang Trung Quốc.”

Rõ ràng, Bắc Kinh cũng như Tehran thực hiện bước tiến địa chính trị trên bình diện gia tăng đối đầu với Hoa Kỳ. Trong trường hợp xảy ra đụng độ quân sự, Hoa Kỳ không khó gì chặn đứng kênh cung cấp dầu mỏ cho Trung Quốc ở eo biển Malacca. Khoảng 80% nguồn nhiên liệu dành cho Trung Quốc đi qua hành lang này. Đó là nguyên nhân bắt buộc Trung Quốc thiết lập những tuyến đường vận tải thay thế. Chiến lược của Trung Quốc được đề cập đến có tên Chuỗi ngọc trai, bao gồm mạng lưới các cơ sở chiến lược cảng, căn cứ và trạm quan sát ở Sri Lanka, Bangladesh và Myanmar. Trong khuôn khổ Chuỗi ngọc trai, quyền kiểm soát cảng Gwadar đối với Trung Quốc trở thành bước ngoặt về đảm bảo ưu thế địa chính trị ở khu vực.

Căn cứ ở Pasabandare sẽ mở rộng cho Tehran sự hiện diện quân sự của quốc gia trong vùng. Rõ ràng, nhiệm vụ của căn cứ không chỉ đơn thuần là kiểm soát biển, mà trong trường hợp bất khả kháng Pasabandare cho phép Tehran ngăn chặn hành lang năng lượng. Với khoảng cách vẻn vẹn 30 cây số giữa Pasabandar và Gwadar, Iran và Trung Quốc sẽ dễ dàng “tiền trao cháo múc” nhiên liệu dầu.
Trong bối cảnh quan hệ có phần lạnh nhạt với Mỹ, Pakistan tích cực thúc đẩy liên lạc với Trung Quốc và Iran. Bằng động thái giao quyền kiểm soát cảng Gwadar cho Trung Quốc, Pakistan đã dang tay giúp các đối tác tạo cơ hội phối hợp vị thế cho nhau trong khu vực.
Theo TNN Nga

Những hố đen trên đại dương

Khái niệm "hố đen trong vũ trụ" được chúng ta biết đến từ trên ghế nhà trường. Nhiều thế hệ khoa học đã bỏ công nghiên cứu tính chất vật lý của các hố đen. Nhưng gần đây còn xuất hiện một khái niệm mới là "hố đen trong đại dương". Trái ngược với vũ trụ, đó là các hố đen nhân tạo. Giới chuyên viên NATO đã đặt tên gọi này cho tàu ngầm diesel-điện Nga đề án 636 lớp Kilo. Chuyên gia quân sự Victor Litovkin, biên tập viên "Quan sát quân sự độc lập", cho rằng cách gọi này xuất phát từ tính năng tiếng ồn nhỏ của tàu ngầm lớp Kilo.
“Đó là những tầu ngầm ưu việt, được trang bị vũ khí ngư lôi, thủy lôi và tên lửa. Đặc biệt, có tổ hợp tên lửa Club, đã chứng minh tính hiệu quả trên các tàu ngầm mà Nga bán cho Hải quân Ấn Độ.”
Tàu ngầm Kilo là một phương án cải tiến của Varshavyanka, loại tàu được Nga bắt đầu sản xuất dành cho xuất khẩu cách đây ba thập kỷ. Kilo bảo lưu những tính năng chính và cấu trúc của Varshavyanka, nhưng thiết bị bên trong, bộ điện tử, các phương tiện bảo đảm sinh hoạt được hiện đại hoàn toàn. Ở vị trí dưới nước, tàu Kilo có thể di chuyển với tốc độ 20 hải lý, tương đương 37 km/giờ, lặn sâu 300 mét và hoạt động ở chế độ độc lập trong 45 ngày.
Hai tàu ngầm lớp Kilo sẽ được gửi đến Việt Nam trong năm nay. Sau khi rời xưởng đóng tàu tại St Petersburg, hai chiếc tàu đề án 636 đã được hạ thủy, trong đó một chiếc đang thực hiện thử nghiệm trên biển Baltic. Tổng cộng theo hợp đồng giữa hai bên Nga và Việt Nam, nước Cộng hòa sẽ nhận được sáu tàu ngầm lớp Kilo. Thỏa thuận trị giá khoảng hai tỷ USD được dự kiến hoàn thành vào năm 2016.
“Thật khó đánh giá hết ý nghĩa của những tàu ngầm này đối với Việt Nam. Với sự tham gia của tàu ngầm lớp Kilo, nước Cộng hòa sẽ bảo vệ hiệu quả hơn nữa lãnh hải và vùng biển kinh tế, các hải đảo và giàn khoan ngoài khơi. Yếu tố hành động tổng hợp giữa lực lượng trên mặt nước và tàu ngầm rất quan trọng. Các tàu nổi phải được bảo vệ cả dưới nước. Ngược lại, khi ra biển, đặc biệt ở khu vực gần bờ, các tàu ngầm đòi hỏi sự hậu thuẫn của các tàu nổi.”
Ông Viktor Litovkin lưu ý rằng Việt Nam là một đối tác truyền thống của Nga về hợp tác quân sự-kỹ thuật. Trong thập kỷ qua, thị phần của Nga trong thị trường vũ khí Việt Nam đã đạt đến mức 90%. Hiện nay, các xí nghiệp quốc phòng Nga cũng đang nhận nhiều đơn đặt hàng từ nước ngoài. Nhưng nhiệm vụ trước hết là thực hiện các đặt hàng quốc phòng nhà nước đáp ứng nhu cầu của quân đội và hải quân Nga. Chỉ sau đó, mới đến lượt các khách hàng nước ngoài.
Tuy nhiên, chuyên gia Viktor Litovkin cho rằng, các tàu ngầm được Việt Nam đặt mua thuộc trường hợp đặc biệt, khi đơn đặt hàng nước ngoài được ưu tiên hàng đầu.

Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2013

Công bố thông tin về tiềm năng dầu khí rất lớn ở biển Đông

Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) vừa thông báo trữ lượng dầu khí tiềm năng ở biển Đông, cho thấy trữ lượng đó vượt xa so với các dự báo trước đây và nhiều hơn cả các nguồn tài nguyên chưa được khai thác của cả châu Âu.

Theo EIA, biển Đông có trữ lượng tiềm năng là 11 tỷ thùng dầu và 190 nghìn tỷ feet khối khí đốt.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ biển Đông, trong đó có cả quần đảo Trường Sa, nơi mà Đài Loan, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Philippines cũng tuyên bố chủ quyền.

EIA ước tính quần đảo Trường Sa có trữ lượng khoảng 800 tới 5,4 tỷ thùng dầu.

Cũng theo cơ quan này, năm 2011, sản lượng khai thác dầu khí ở biển Đông của Việt Nam là 300 nghìn thùng mỗi ngày.

Nguồn năng lượng dầu khí phong phú ở biển Đông là một trong các lý do dẫn tới các tranh chấp ở vùng biển này.

Thứ Sáu, 8 tháng 2, 2013

Thủy quân lục chiến Mỹ tới Việt Nam

Thủy quân lục chiến Mỹ sẽ hoạt động nhân đạo ở Việt Nam.
Một nhóm chuyên gia bom mìn của thủy quân lục chiến Mỹ sẽ tới Việt Nam để tham gia một chương trình nhân đạo vào tháng Bảy tới.
Nhóm chuyên gia đóng tại Doanh trại Pendleton, California, sẽ được điều tới Việt Nam để tham gia công tác rà phá bom mìn còn sót lại từ thời kỳ chiến tranh Việt Nam.
Một thông cáo báo chí của lực lượng thủy quân lục chiến cho hay các chuyên gia này sẽ huấn luyện người dân địa phương cách xử lý bom mìn còn chưa phát nổ.
Tư lệnh thủy quân lục chiến Mỹ, Tướng Jim Amos, nói lực lượng của ông hiện chưa có chương trình huấn luyện tác chiến ở Việt Nam nhưng ông hy vọng việc này sẽ được thực hiện trong tương lai.
"Tôi hy vọng rằng một ngày nào đó trong một-hai năm tới, với quan hệ mà hai bên đang xây dựng, chúng tôi có thể huấn luyện ở Việt Nam, có thể với không quân, và cùng họ hoạt động cũng như tiếp tục phát triển quan hệ."
Hiện diện của thủy quân lục chiến Mỹ ở quốc gia cựu thù sẽ là bước tiến đáng kể trong hợp tác quốc phòng-quân sự giữa hai nước.

Chuyển dịch trọng tâm

Việc điều thủy quân lục chiến tới Việt Nam và các nước trong khu vực cũng cho thấy sự chuyển dịch trọng tâm về Á châu, mà Tổng thống Barack Obama đang cổ súy.
Việt Nam và Mỹ, tuy bình thường hóa quan hệ từ 1995 tới nay, mới chỉ có hợp tác quốc phòng giới hạn trong các chuyến thăm viếng của tàu hải quân và các sứ vụ nhân đạo.
Hai bên chưa có tập trận chung.
Tướng Jim Amos vừa hé lộ kế hoạch triển khai quân trong thời gian tới tại một cuộc họp báo ở San Diego, California.
Ông nói sẽ điều nhiều quân và chiến đấu cơ tới Nhật Bản cũng như một số nước châu Á khác.
Cuối tháng 1/2013, hai tiểu đoàn bộ binh đang luân phiên đồn trú tại căn cứ Okinawa, và một tiểu đoàn khác sẽ được triển khai vào mùa hè.
Mỹ cũng có kế hoạch điều thêm chiến đấu cơ tới Nhật, với loại EA-6B Prowlers được chuyển tới Iwakuni, nơi đã có một cơ số chiến đấu cơ F/A-18 Hornet.
Prowlers là loại chiến đấu cơ hoạt động tầm xa, dùng để thu thập tin tình báo cũng như phản công bằng phương tiện điện tử; và sự điều động chắc chắn sẽ được Trung Quốc chú ý trong khi nước này đang có căng thẳng biển đảo với Nhật.
Thủy quân lục chiến Mỹ cũng đang tìm kiếm cơ hội hợp tác với Campuchia.
Tướng chỉ huy lực lượng này ở khu vực Thái Bình Dương, Terry Robling, nói mùa thu năm ngoái cả Việt Nam và Campuchia đều bày tỏ quan tâm tới việc huấn luyện tập trung vào quân y và nhân đạo.
Trung tướng Robling cũng nói thủy quân lục chiến Mỹ đang lên chương trình hoạt động ở Malaysia, Indonesia và Ấn Độ.