Sự thay đổi bố cục trong thượng
tầng tinh hoa chính trị Trung Quốc do Đại hội Đảng lần thứ 18 mở ra, sẽ
song hành với những thay đổi trong ban lãnh đạo quân sự cấp cao. Hiện
nay, một số quan sát viên đang ghi nhận những dấu hiệu bất đồng quan
điểm của giới quân nhân với các chính trị gia. Ông Aleksandr Lukin Phó
Hiệu trưởng Học viện Ngoại giao thuộc Bộ Ngoại giao LB Nga nêu ý kiến về
vấn đề này.
Cách đây chưa lâu đã công bố bổ nhiệm
các lãnh đạo mới của Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Quân
khí và Tổng cục Hậu cần của Quân đội Trung Quốc. Đảm nhận các chức vụ
này là những người lập nghiệp thành công trong thời kỳ phát triển cải
cách kinh tế và đà trỗi dậy của Trung Quốc, thời kỳ đưa quân đội sang cơ
sở công nghệ mới. Hiện nay đó là quân đội lớn nhất thế giới với cơ số
hơn 2 triệu người, còn ngân sách quân sự của Trung Quốc vượt quá 100 tỷ
dollar - chiếm vị trí thứ hai trên thế giới. Cũng giống như các quân
nhân trên địa cầu này, khi cảm thấy nội lực mới của bản thân, giới quân
sự Trung Quốc mong muốn đem sức mạnh này sử dụng ở nơi nào đó. Quân đội
Trung Quốc đã phát triển thành một cơ cấu chuyên nghiệp, có lợi ích
riêng.
Mặc dù công tác tuyên truyền chính thức liên
tục nhấn mạnh nguyên tắc Đảng lãnh đạo các lực lượng vũ trang, các quan
sát viên vẫn nhận thấy những dấu hiệu bất hòa trong hàng ngũ quân nhân
đối với các chính khách. Các chính trị gia nhấn mạnh nguyện vọng cố gắng
xây dựng mối quan hệ hài hòa với thế giới bên ngoài, còn thế hệ quân sự
mới thì cho rằng khi cần thiết Trung Quốc phải hành động cứng rắn, y
như Hoa Kỳ đang làm. Ý tưởng như thế hàm chứa trong vô số phát biểu của
các nhà phân tích quân sự, là sĩ quan cao cấp đang tại ngũ hoặc đã nghỉ
hưu. Họ không chỉ công khai kêu gọi tiến tới chính sách đối ngoại hiếu
chiến hơn, mà còn cho rằng quân đội Trung Quốc cần tích cực tham gia vào
việc tạo lập những ưu tiên của chính sách đối ngoại.
Trong
cuốn sách ấn hành năm 2010 và ngay lập tức trở nên nổi tiếng rộng rãi
với tựa đề "Giấc mơ Trung Quốc», tác giả là giáo sư Đại học Quốc phòng,
Đại tá Lưu Minh Phúc đã viết rằng trong thế kỷ XXI, đất nước Trung Hoa
cần phải trở thành cường quốc số 1 trên thế giới. Trong trường hợp ngược
lại, Trung Quốc sẽ bị những nỗ lực của Hoa Kỳ đẩy bật và gạt sang bên
lề đường phát triển của thời đại. "Nếu Trung Quốc không đặt ra cho mình
mục tiêu vượt hơn sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ và Nga, thì sẽ phải cay
đắng nhận lấy số phận của cường quốc quân sự hạng ba”, - ông Lưu Minh
Phúc cảnh báo.
Trong một cuốn sách với đặc tính khác
có tên gọi là "Môi trường vòng cung: Trung Quốc làm thế nào để vượt khỏi
vòng vây trong điều kiện khó khăn nội bộ và áp lực bên ngoài", có nói
rằng theo chủ đích của Hoa Kỳ, Trung Quốc đang bị bao quanh bởi một hình
bán nguyệt với dày đặc các quân đội Việt Nam, Ấn Độ, Nhật Bản và cả
chính quân Mỹ ở Afghanistan. Trong điều kiện này, chiến tranh với người
Mỹ gần như là điều không thể tránh khỏi, và để đảm bảo chiếm được vị thế
có lợi, Bắc Kinh phải củng cố tăng cường quân đội của mình, mà trước
hết là không quân và hải quân. Cũng như phải theo gương người Mỹ tạo lập
căn cứ quân sự ở nước ngoài.
Sự bùng phát và leo
thang xung đột với Nhật Bản xung quanh những hòn đảo tranh chấp lại càng
củng cố thêm cho những phát ngôn khoa trương kiểu như vậy. Phó ban
nghiên cứu quân sự quốc tế của Học viện Khoa học quân sự, Thiếu tướng La
Viện nêu đề xuất bắt đầu một cuộc hải chiến du kích chống lại Nhật Bản,
bằng cách sử dụng hàng trăm tàu cá. Với những hòn đảo tranh chấp hiện
do Nhật Bản kiểm soát thì tướng La Viện hô hào dùng vũ lực đánh chiếm,
để biến thành thao trường quân sự của Trung Quốc. "Một dân tộc thiếu
tinh thần thượng võ sẽ không có tương lai”, - ông tướng này khẳng định
tại hội nghị gần đây ở Thẩm Quyến.
Nếu xu thế tăng
cường vai trò cấp tiến của quân đội sẽ bồi bổ thêm sức mạnh trong nền
chính trị Trung Quốc, thì có thể dẫn đến thảm họa cho chính Trung Quốc
cũng như cho nền hòa bình quốc tế. Trong trường hợp này, mặt trận chống
Trung Quốc sẽ liên kết các nước lân cận với nhau, những quốc gia hiện
tại vốn cũng đã lo ngại rõ rệt trước đà gia tăng thế lực quân sự của Bắc
Kinh. Còn về tăng trưởng kinh tế, yếu tố phụ thuộc trực tiếp vào quan
hệ của Bắc Kinh với thế giới bên ngoài, thì khi đó có thể phải quên đi.
Thời đại ngày nay không một quốc gia nào có thể hùng cường trong đơn
độc. Ban lãnh đạo Trung Quốc cũng hiểu vấn đề này. Và trong giới tinh
hoa chính trị của Trung Quốc hiện thời vẫn duy trì nhất trí về sự cần
thiết tiến hành chính sách kiềm chế và bảo lưu quyền kiểm soát chính trị
đối với quân đội.
Theo Tiếng nói nước Nga
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét