“Thông tin ảo” và “hiểm họa thật”
QĐND -
Hàng trăm trang web, blog "đen" do hơn 400 tổ chức phản động trong và
ngoài nước lập lên xen lẫn hàng trăm trang web, blog cá nhân với thông
tin tốt – xấu, thật – giả lẫn lộn, có loại ẩn chứa âm mưu thâm độc của
các thế lực thù địch; có loại vô tình “nối giáo cho giặc”, “quá mù ra
mưa”… Đỉnh điểm của hiểm họa từ những trang web, blog "đen” phải kể đến
việc nhiều trang web đưa tin sai lệch, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước
gần đây làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước. Thực
trạng vấn đề này như thế nào, quản lý và xử lý loại “
nấm độc thông tin”
này ra sao? Nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã điều tra, tìm hiểu,
bước đầu làm rõ về hiện tượng này…
(viên đạn Điện tử - Thông tin)
Hàng nghìn trang web, blog “đen” (hàng trăm trang thui???)
Những
ngày vừa qua, giữa lúc Đảng ta đang đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị
quyết Trung ương 4 về “Một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện
nay” và tình hình kinh tế - xã hội trong nước, thế giới đứng trước nhiều
khó khăn thách thức do suy giảm kinh tế, một số trang web, blog "đen"
đã lợi dụng tung ra nhiều thông tin “hậu trường” nhạy cảm. Những thông
tin này liên quan đến nhiều chính sách kinh tế vĩ mô, đến vấn đề ngân
hàng, tài chính và nhiều lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước nên đã tạo
ra dư luận xã hội tiêu cực, gây hoang mang, lo lắng, suy giảm niềm tin
của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng, Nhà nước. Nhiều
tờ báo phản động hải ngoại và báo chí nước ngoài đã thi nhau “tung
hứng”, suy diễn hoạt động các trang này giống như chúng được “tiếp tay”
từ nội bộ, gắn với các vấn đề nhân sự cấp cao nhạy cảm. Trao đổi với
phóng viên Báo Quân đội nhân dân, đại diện cơ quan chức năng cho biết:
Rồi đây, sự thật về những trang web, blog "đen" này sẽ được làm rõ nhưng
thật ra, đây là hiện tượng không mới và không khó để nhận diện. Ngay từ
năm 2000, khi có cái gọi là “Nghị hội liên kết người Việt tự do tại Mỹ”
thì các thế lực thù địch đã xác định phải tận dụng công nghệ hiện đại
để "phá vỡ sự bưng bít thông tin của cộng sản" và từ đó sự liên kết giữa
phản động lưu vong với nội địa ngày càng chặt chẽ, từ chỗ chỉ qua thư
tín rồi dần qua internet là chủ yếu. Theo thống kê của cơ quan chức năng
thì đến nay, các tổ chức phản động bên ngoài đã lập ra hơn 400 trang
web để truyền bá, phá hoại tư tưởng chống Việt Nam. Ngoài ra, còn có
khoảng 380 báo, tạp chí và 60 đài phát thanh tiếng Việt cùng nhiều hãng
thông tấn, tổ chức tôn giáo ở nhiều quốc gia cũng lập trang web chống
phá Việt Nam. Cùng với đó, phải kể đến hàng trăm trang web, blog do một
số trí thức, văn nghệ sĩ và các phần tử bất mãn trong nước lập nên lợi
dụng danh nghĩa “phản biện xã hội” để xuyên tạc, kích động chống đối
Đảng, Nhà nước.
Nhận diện “chiêu thức” hoạt động
Theo
Đại tá, PGS, TS Nguyễn Trọng Đạo, Phó cục trưởng Cục A87, hoạt động lợi
dụng internet chính là một âm mưu, thủ đoạn nguy hiểm để truyền bá, thúc
đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta.
Từ tìm
hiểu, khảo sát của nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân, có thể khái
quát một số hình thức hoạt động của các loại web, blog chứa đựng thông
tin độc hại như sau:
Thứ
nhất, loại blog, trang web tự xưng danh đại diện cho cộng đồng chống
tham nhũng, dân oan đấu tranh đòi quyền lợi xung quanh giải phóng mặt
bằng, những người đòi tự do thông tin, các nhà dân chủ,… để hoạt động
như một tờ báo điện tử, đưa thông tin kích động, xuyên tạc về chủ
trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Nội dung căn bản của những trang
này vẫn là phá hoại tư tưởng, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng
Hồ Chí Minh, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, bôi nhọ hình
ảnh, uy tín của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; xuyên tạc, tung tin về sự chia
rẽ, phe phái, xung đột trong nội bộ Đảng, Nhà nước, Quốc hội; kích động
khiếu kiện đất đai, chính sách dân tộc, tôn giáo… “Bọn phản động lưu
vong triệt để lợi dụng internet lập nên các trang web, blog nhưng chúng
“lập lờ” thông tin thật giả, tốt xấu nên có khi người dân rất khó biết
có phải trang phản động hay không, chỉ cơ quan an ninh mới biết rõ.
Chính vì thủ đoạn dùng 50-70% thông tin đúng sự thật nên nhiều người dễ
dàng bị lôi cuốn theo chúng ” - Đại diện cơ quan chức năng cho biết. Đến
nay, theo điều tra của cơ quan chức năng, đã có cơ sở cho thấy, tổ chức
phản động lưu vong Việt Tân là một trong những nơi sản sinh ra nhiều
web, blog phản động. Hiện nay, tổ chức này đang chuẩn bị “đại hội” nên
càng ráo riết lợi dụng web, blog để “diễu võ dương oai”. Còn một trang
mạng khác gần đây đang được tung hô đình đám, theo cơ quan chức năng đây
cũng là sản phẩm của phản động lưu vong chứ không phải có nguồn gốc từ
trong nước như thông tin suy đoán. Có trang web do tổ chức phản động lưu
vong đứng sau chỉ trong 3 tháng qua đã đăng hàng trăm tin, bài xuyên
tạc. Những âm mưu ấy là không mới, phản động lưu vong đã dùng “chiêu”
này từ lâu. Gần đây, chúng cho “kích nổ” dồn dập hơn nhằm phá hoại việc
triển khai Nghị quyết Trung ương 4 của ta.
Thứ
hai, cũng có không ít trang đi theo hướng “chuyên đề” như trang của ông
N.X.C tự xưng là “chuyên gia kinh tế”, “Thủ tướng tương lai”, “nhà tiên
tri tài chính”. Trang này chủ yếu đưa thông tin liên quan đến tình hình
kinh tế nhưng thực chất là xuyên tạc, phá hoại về kinh tế. “Nhà tiên
tri” này đưa ra nhiều dự báo sai, lạc lõng so với thực tế, giống như một
“nhà kinh tế… hoang tưởng” mà một số người tin theo, làm theo đã bị
thiệt hại nghiêm trọng. Lại có trang lượm lặt thông tin từ báo chí Việt
Nam và nước ngoài, thậm chí cả các blog kèm theo những bình luận, suy
diễn thiên lệch…
Thứ
ba, phải kể đến loại web, blog của một số nhân sĩ, trí thức, nhà văn,
nhà báo, nhà nghiên cứu, trong đó có cả một số người đang công tác (hoặc
đã từng công tác) tại các cơ quan Nhà nước nhưng thường xuyên đăng tải,
phát tán thông tin tốt xấu lẫn lộn, có nhiều tin bài không chính xác,
thậm chí sai trái, phản động…Hiện nay, có một số cán bộ, đảng viên,
trong đó có cả những người từng là cán bộ quản lý cấp cao viết bài, phát
tán nội dung trái với đường lối quan điểm của Đảng, Nhà nước và bị lôi
kéo, lợi dụng. Cùng với đó phải kể đến một số trí thức, văn nghệ sĩ và
thành phần bất mãn, chống đối lợi dụng danh nghĩa “phản biện xã hội” để
phê phán, phản đối chính sách của Đảng, Nhà nước ta trong giải quyết
quan hệ Việt – Trung ở Biển Đông, dự án Bô-xit Tây Nguyên, thổi phồng,
bôi đen những tiêu cực xã hội… Đáng chú ý là những trang web, blog này
được các thế lực thù địch phản động thường xuyên lấy lại tin bài, thậm
chí “tài trợ” để tạo dựng ngọn cờ, tạo dư luận, tập hợp lực lượng chống
đối. Theo Cục A87, điển hình như vụ việc xảy ra ở Tiên Lãng - Hải Phòng,
một đối tượng thông qua blog cá nhân đã viết hàng trăm tin bài sau đó
tập hợp xin xuất bản cuốn sách “Tiên Lãng” nhằm phê phán, kích động
thiếu căn cứ.
Thứ
tư, các thế lực thù địch và cực đoan đang triệt để lợi dụng các diễn
đàn, mạng xã hội, nhiều nhất là trên facebook, youtube là những mạng có
khả năng phát tán nhanh, tác động mạnh đến nhiều tầng lớp trong xã hội
để chống phá, kêu gọi biểu tình, tán phát tài liệu phản động, hình ảnh,
phim, clip bôi nhọ, xuyên tạc…
Thứ
năm, xuất hiện nhiều trang web, blog có máy chủ đặt tại nước ngoài mạo
danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước tuy chưa có nhiều thông tin sai trái nhưng
đều không phải là trang tin chính thức, có thể gây nhiễu loạn thông tin
và ẩn chứa những động cơ đen tối. Những trang này số lượng lên tới hàng
trăm, riêng các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị mỗi đồng chí có tới 4-5
trang bị mạo tên, trang nào cũng rất nhiều tin, bài, hình ảnh, clip cập
nhật, lượm lặt từ báo chí và nhiều nguồn khác nhau. Đồng chí Nguyễn Bá
Thanh, Bí thư thành ủy Đà Nẵng là một trong những nạn nhân của những
trang tin giả mạo này đã phải chính thức lên tiếng trên báo chí nói rõ
sự thật. Cơ quan chức năng cho biết, đứng đằng sau những trang web mạo
danh này, không ai khác, vẫn là phản động lưu vong.
Đánh
giá về tác hại nguy hiểm của các trang web, blog phản động, Thứ trưởng
Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn cho rằng: “Việc tiếp tục phát
tán thông tin như vậy vào Việt Nam là hết sức nguy hiểm, ảnh hưởng
nghiêm trọng, gây hoài nghi trong nhân dân về vai trò lãnh đạo của Đảng
và Nhà nước ta, gây tác động rất xấu trong dư luận xã hội”.
NGUYÊN MINH, NGUYỄN HÒA, NGỌC HƯNG (Báo QĐND).