Thứ Năm, 30 tháng 6, 2011

CHIẾN TRANH THÔNG TIN TRONG CUỘC CHIẾN Ở NAM Ô-XÊ-TI-A

Về phía Gru-di-a

Thông tin đánh lạc hướng về kế hoạch chuẩn bị chiến tranh

Ngay sau khi lên cầm quyền ở Gru-di-a sau cuộc “cách mạng nhung” năm 2004, Tổng thống Sa-a-ca-svi-li đặt ra mục tiêu chiến lược: thôn tính hai vùng tự trị độc lập Nam Ô-xê-ti-a và Áp-kha-di-a và sáp nhập vào lãnh thổ Gru-di-a. Để thực hiện mục tiêu này, Tổng thống Sa-a-ca-svi-li xúc tiến xây dựng quân đội với sự giúp đỡ của Mỹ và một số “đồng minh”, chờ thời điểm thuận lợi để hành động.

Trong những năm qua, Oa-sinh-tơn đã nỗ lực giúp đỡ và cổ vũ Gru-di-a, giúp nước này xây dựng quân đội. Mỹ đã có nhiều chương trình đào tạo sĩ quan và binh sĩ cho hơn 8.000 quân nhân Gru-di-a, tổ chức các cuộc tập trận chung mà điển hình là cuộc tập trện trong tháng 7-2008 mang tên “Đáp trả tức thời” với hơn 1.000 lính Mỹ tham gia; nỗ lực hành động để sớm kết nạp Gru-di-a vào NATO, luôn ủng hộ tính toàn vẹn lãnh thổ của Gru-di-a trong cuộc tranh chấp với hai vùng tự trị Nam Ô-xê-ti-a và Áp-kha-di-a.

Trong thời gian đó, Gru-di-a với sự trợ giúp của các phương tiện thông tin đại chúng ở Mỹ và một số nước phương Tây khác, một mặt, mở chiến dịch tuyên truyền về việc Nga “vi phạm các cam kết ngừng bắn” ở Nam Ô-xê-ti-a, mặt khác ra sức “khuyên can” Tbi-li-xi không nên có các hành động quân sự “gây hấn” đối với Mat-xcơ-va. Một tháng trước khi Gru-di-a mở cuộc tiến công chớp nhoáng nhằm vào thủ phủ Tơ-hin-van của Nam Ô-xê-ti-a, các trợ lý của Ngoại trưởng Mỹ Côn-đô-li-da Rai-xơ thông báo rằng, trong lần đến thăm Gru-di-a, bà C.Rai-xơ “cảnh báo” Tổng thống Sa-ca-svi-li: “Không nên lao vào một cuộc xung đột quân sự với Nga”.

Tổng thống Sa-a-ka-svi-li cũng đã tuyên bố vào tối ngày 7-8-2008 rằng: “Sẽ không có bất kỳ giải pháp quân sự nào cho cuộc xung đột”. Ông còn thông báo vào sáng ngày 8-8-2008, phía Gru-di-a sẽ gặp đại diện của phía Nga và Nam Ô-xê-ti-a để đàm phán về một giải pháp hoà bình cho cuộc xung đột. Trên thực tế, theo tiết lộ của tướng A-na-tô-li Dai-xep, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Cộng hoà Nam Ô-xê-ti-a, phía Gru-di-a đã chuẩn bị rất chu đáo cho chiến dịch đánh chiếm Nam Ô-xê-ti-a và Áp-kha-di-a trong vòng vài ngày đêm. Theo kế hoạch này, chỉ trong vòng vài giờ, quân đội Gru-di-a sẽ mở đòn tiến công chớp nhoáng đánh chiếm thủ phủ Tơ-vin-han, tuyên bố kiểm soát tình hình và mở các mũi tiến công về phía Áp-kha-di-a. Như vậy, thông tin mà các phương tiện truyền thông ở phương Tây và của Gru-di-a phát đi về tình hình cuộc xung đột trước ngày 8-8-2008 làm cho dư luận bị đánh lạc hướng về cuộc chiến tranh đã được chuẩn bị khá công phu để tái chiếm Nam Ô-xê-ti-a và Áp-kha-di-a.

Đưa tin sai lệch có dụng ý về tình hình cuộc chiến ở Nam Ô-xê-ti-a

Do tính toán sai lầm về chiến lược của Tổng thống Sa-a-ka-svi-li, quân đội Gru-di-a sau khi mở cuộc tiến công chớp nhoáng vào thủ phủ của Nam Ô-xê-ti-a vào rạng sáng ngày 8-8-2008, sát hại hàng ngàn dân thường mà đa số là người Nga và người Ô-xê-ti-a, đã bị các lực lượng vũ trang của Nga đáp trả và phải chịu thất bại về quân sự. Đây là diễn biến mà nhiều người ủng hộ Tổng thống Sa-a-ka-svi-li ở phương Tây không ngờ tới.

Trước thất bại về quân sự của phía Gru-di-a, những người ủng hộ Tổng thống Sa-a-ka-svi-li vội vã mở chiến dịch tuyên truyền nhằm tạo ra một bức tranh hoàn toàn khác về thực tế đang diễn ra ở Nam Ô-xe-ti-a. Nhiều hãng thông tấn ở Mỹ và một số nước phương Tây khác liên tiếp đưa tin rằng “Nga xâm lược Gru-di-a”. Những thông tin chiến sự khách quan phát đi từ các nguồn tin ở Nga đều bị khống chế hoặc bị bóp méo trước khi truyền tải tới công chúng ở các nước phương Tây. Chẳng hạn, truyền hình đưa tin về cảnh tượng xe tăng Nga tiến vào Gru-di-a, nhưng lại hoàn toàn im lặng, không đưa tin gì về hành động quân sự gây hấn của phía Gru-di-a pháo kích dữ dội vào làng mạc và các khu phố của người Nga sinh sống ở Nam Ô-xê-ti-a vào rạng sáng ngày 8-8-2008.

Trong các cuộc họp báo do phía Nga tổ chức có mặt tất cả các phóng viên báo ảnh truyền hình của phương Tây, nhưng những thông tin khi được phát đã không phản ánh đúng sự thật. Trong khi đó, những lời tuyên bố có tính chất tuyên truyền của Tổng thống Sa-a-ca-svi-li lại được các phương tiện thông tin đại chúng ở phương Tây tới tấp phát đi. Ông Ni-cô-lai Dơ-lô-bin, Giám đốc các chương trình Nga và châu Á thuộc Viện nghiên cứu an ninh quốc tế ở Mỹ bình luận tình hình này như sau: “Dư luận Mỹ vốn đã không có mấy thiện cảm với người Nga. Còn các nhà báo chỉ phát tin trực tiếp từ Tổng thống Gru-di-a đang hàng giờ đưa ra hết tuyên bố này đến tuyên bố khác cáo buộc Nga xâm lược Gru-di-a, thậm chí tổ chức phỏng vấn ngay tại văn phòng làm việc của ông ta”.

Có “Các luật sư bào chữa miễn phí” cho Tổng thống Sa-a-ka-svi-li

Sau khi chiến tranh ở Nam Ô-xê-ti-a bùng nổ, các phương tiện thông tin đại chúng ở Mỹ và nhiều nước phương Tây khác đã mở một chiến dịch tuyên truyền đã được chuẩn bị từ trước nhằm ủng hộ phía phát động cuộc chiến là Gru-di-a. Sự ủng hộ đó vẫn được tiếp tục ngay cả sau khi quân đội Gru-di-a bị thất bại và hành động phát động chiến tranh của Tổng thống Sa-a-ka-sơ-vi-li bị phía Nga tuyên bố công khai là hành động diệt chủng với các bằng chứng cụ thể. Vì thế, nhiều chuyên gia phân tích chính trị quốc tế gọi họ là “các luật sư bào chữa miễn phỉ” cho Tổng thống Sa-a-ka-svi-li.

Sáng sớm ngày 8-8-2008, ngay sau khi bùng nổ cuộc chiến tranh ở Nam Ô-xê-ti-a, hãng truyền hình Mỹ CNN đưa tin về cuộc phỏng vấn nhanh đối với ông Sa-a-ka-svi-li, Tổng thống Gru-di-a, trong đó ông nói bằng tiếng Anh rất thạo để tuyên bố trước dư luận Mỹ và thế giới biết về “cuộc xâm lược của Nga nhằm vào Gru-di-a”. Ngoài ra, còn có bài trả lời phỏng vấn kéo dài 5 phút của đại sứ Gru-di-a ở Liên hợp quốc với hãng truyền hình CNN, tuyên bố của cựu đại sứ Mỹ ở Liên hợp quốc và Bộ trưởng Ngoại giao của Gru-di-a. Trong tất cả các bản tin đó đều có chung một lập luận “Nga xâm lược Gru-di-a”.

Báo The New York Times (Mỹ) cũng đưa tin bình luận: “Nga đã dùng máy bay ném bom vào các mục tiêu ở Gru-di-a vào chiều ngày 8-8-2008, làm cho xung đột leo thang trong khu vực ly khai của Gru-di-a. Điều này trở thành một cuộc kiểm tra sức mạnh và khả năng quân sự của Điện Crem-li. Trước đó các lực lượng quân đội của Nga và xe tăng của họ đã tiến vào Nam Ô-xê-ti-a để ủng hộ khu vực ly khai này trong cuộc xung đột căng thẳng với Gru-di-a. Mỹ và các nước phương Tây khác cũng như NATO lên án hành động bạo lực của Nga và yêu cầu chấm dứt chiến sự”. Trong khi đó, báo này chỉ đưa tin một cách thoáng qua về thảm hoạ nhân đạo do cuộc tiến công phủ đầu của phía Gru-di-a gây ra ở Nam Ô-xê-ti-a. Trên một vị trí trang trọng của tờ báo này có bài bình luận của đại diện đặc biệt của Mỹ về khu vực Ban-căng, ông R.Hôn-brúc, trong đó có nhận xét: “Người Nga có hai mục đích. Một là, giành giật chủ quyền ở Nam Ô-xê-ti-a và Áp-kha-di-a. Hai là, lật đổ chính phủ của Tổng thống Sa-a-ca-svi-li hiện nay đang trở thành trở ngại lớn đối với họ”.

Ông Mác Bre-din-xki, một nhà phân tích nổi tiếng và là cựu nhân viên của Hội đồng an ninh quốc gia trực thuộc tổng thống Mỹ, kể lại trong bài phỏng vấn của hãng thông tấn CNN rằng: “Sở dĩ Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép và Thủ tướng Nga V.Pu-tin hành động như vậy là do Mỹ đang sa lầy ở I-rắc và Áp-ga-ni-xtan. Điện Crem-li đang có ý định phục hồi vị thế của Liên Xô trước đây và ảnh hưởng của họ. Họ muốn Gru-di-a phụ thuộc họ và ngăn cản Gru-di-a gia nhập các thể chế Đại Tây Dương. Mát-xcơ-va muốn chứng tỏ cho những người khác biết điều gì sẽ xảy ra nếu muốn dành vị thế độc lập”.

Một số người trong giới chính trị ở Mỹ nghiêng về ủng hộ nhà cầm quyền Gru-di-a. Điều này được thể hiện rõ trong tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi Nga ngay lập tức rút lực lượng của họ ra khỏi lãnh thổ Gru-di-a. Ứng cử viên Tổng thống thuộc Đảng Cộng hoà Giôn Mác-kên cũng nhắc lại yêu cầu này. Còn ứng cử viên Tổng thống của Đảng dân chủ Ba-rắc Ô-ba-ma cũng tuyên bố: “Nga xâm phạm chủ quyền của Gru-di-a”. Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gri-gô-ri Ca-ra-chin (Grigory Karasin), sự thiên vị của phương Tây trong cách đưa tin về các sự kiện ở Nam Ô-xê-ti-a là do động cơ chính trị. Theo ông, phương Tây lẽ ra phải đưa tin khách quan, không chỉ đưa hình ảnh xe tăng Nga mà còn nói về cả nỗi khổ của người Ô-xê-ti-a, cảnh người già và trẻ em bị pháo và xe tăng của phía Gru-di-a sát hại. Tuy nhiên, cho dù các hãng thông tấn phương Tây có đưa tin một chiều, họ cũng không thể bưng bít được một sự thật rằng, Gru-di-a đã phớt lờ những cảnh báo của Nga để đi nước cờ tấn công Nam Ô-xê-ti-a, khiến tình hình căng thẳng tại khu vực này leo thang.

Sau khi “chiến tranh nóng” kết thúc ở Nam Ô-xê-ti-a, cuộc chiến tranh thông tin vẫn tiếp diễn. Sau khi được phía Nga trao trả tù bình và thi thể các quân nhân Gru-di-a thiệt mạng trong cuộc chiến, Tbi-li-xi đã tổ chức một chiến dịch chiến tranh thông tin rầm rộ nhằm cáo buộc Nga đã có hành động “diệt chủng” đối với người dân Gru-di-a.

Về phía Nga

Theo nhận xét của nhiều chuyên gia phân tích chính trị quốc tế, nếu người Nga chiến thắng về mặt quân sự trong cuộc chiến tranh ở Nam Ô-xê-ti-a vừa qua, thì lại tỏ ra chậm chạp và yếu thế trong cuộc chiến tranh thông tin. Trong khi các phương tiện thông tin đại chúng ở phương Tây liên tục đưa tin sai lệch về tình hình ở Nam Ô-xê-ti-a, thì Mát-xcơ-va chưa chú ý kịp thời đưa ra các luận chứng thông tin có sức thuyết phục để thu hút sự chú ý của dư luận trên khắp thế giới. Ban lãnh đạo Nga dường như không lường hết tầm quan trọng của dư luận xã hội, không chú ý phát huy tác dụng của các kênh thông tin không chính thức ở phương Tây. Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, những kênh thông tin này đôi khi còn quan trọng hơn cả các kênh thông tin chính thức. Ngoài ra, trong khi các phương tiện thông tin đại chúng ở Gru-di-a tập trung hướng tới dư luận ở nước ngoài, thì các phương tiện thông tin chính thức ở Nga chỉ nhằm vào dư luận trong nước.

Các quan chức chính thức của chính phủ Nga chỉ giải thích quan điểm của họ trên các kênh thông tin chính thức của nhà nước Nga. Trong khi đó, khả năng chuyển tải thông tin chính thức của Mat-cơ-va ngay ở nước Nga và trên các phương tiện thông tin đại chúng của phương Tây bị hạn chế rất nhiều, không thu hút sự chú ý của giới truyền thông. Trong khi đó, Tổng thống Gru-di-a, ngoài các bài phát biểu tại các cuộc họp báo, còn trả lời hàng chục cuộc phỏng vấn trong một ngày nếu thấy cần.

Các nhà ngoại giao Nga mặc dù rất am hiểu vấn đề, giỏi tiếng Anh, nhưng lại không xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng để tham gia vào chiến dịch này. Trên thực tế, người ta chỉ thấy có Thủ tướng Nga V.Pu-tin và Tổng thống Nga Đ. Mét-vê-đép “chiến đấu” trực diện với giới truyền thông phương Tây. Vì thế, theo nhận xét của chính các chuyên gia phân tích chính trị ở Nga, Tổng thống Gru-di-a tuy thất bại trên chiến trường nhưng lại chiếm ưu thế trong cuộc chiến tranh thông tin với sự trợ giúp đắc lực của bộ máy truyền thông khổng lồ và rộng khắp của các nước phương Tây.

Đây có thể được coi là bài học khá đắt không chỉ đối với Nga khi tin rằng chân lý thuộc về mình nên không phát huy tối đa sức mạnh của truyền thông. Hạn chế đó sẽ bị nhân lên gấp bội trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, đặc biệt là với sự xuất hiện và lớn mạnh ngoài sức dự đoán của con người của mạng thông tin toàn cầu - internet./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét