Thứ Tư, 29 tháng 6, 2011

Chiến tranh thông tin

Trong những năm gần đây người ta nói nhiều đến một loại hình chiến tranh được gọi là chiến tranh thông tin (CTTT) - cyberwar. Đó là loại hình chiến tranh gì?

Cuộc chiến không khói súng

Khó để đưa ra một định nghĩa hoàn chỉnh, nhưng có thể hiểu CTTT là vận dụng CNTT ở mức cao trong các mặt hoạt động chỉ huy - quản lý, tình báo, điều khiển, chiến tranh điện tử, kinh tế, tâm lý, xã hội...

Các công cụ, phương tiện được sử dụng trong CTTT rất đa dạng: máy tính cực mạnh, mạng máy tính, Internet với các hệ phần mềm thực hiện các chức năng, từ các hệ điều hành đến các hệ quản trị cơ sở dữ liệu, Gis, trình duyệt web, các công cụ tìm kiếm thông tin, an toàn và bảo mật thông tin, virus và chống virus... Những công nghệ mới nhất, mạnh nhất thường xuất phát từ nhu cầu quốc phòng và cũng trở lại phục vụ cho quốc phòng như công nghệ grid, rồi điện toán đám mây, các trung tâm dữ liệu hiện đại, các thiết bị thông tin di động, robot điều khiển... Những công cụ, phương tiện này được ứng dụng để xâm nhập sâu vào trong các hoạt động của quân đội, kinh tế - xã hội. Các nước phương Tây đã từng công bố những hệ chỉ huy C3I, C4I, rồi hệ định vị, truyền tin gắn trên lưng người lính.

Không phải thế giới khi nói nhiều đến CTTT sẽ không còn chạy đua sản xuất vũ khí, sẽ bớt chi phí quốc phòng. Ngược lại, trong năm 2008, thị trường vũ khí quốc tế là 1.464 nghìn tỉ USD, tương đương với 2,4% GDP toàn cầu. Tính ra trung bình năm 2008, mỗi người trên trái đất phải gánh 217 USD chi phí cho vũ khí (Theo báo cáo về kinh doanh vũ khí trên thế giới được Viện nghiên cứu Hoà Bình Quốc tế Stockholm SIPRD công bố ngày 9/6/2009). Số này cao hơn 45% so với 10 năm trước và hơn 4% so với năm 2007. Cũng cần phải hiểu rằng trong chi phí này có một tỷ trọng không nhỏ thuộc lĩnh vực CNTT.

Nhìn lại một số diễn biến chiến tranh gần đây cho thấy, hệ thống website Gruzia bị tấn công không do chính phủ nước nào chỉ huy mà lại do hoạt động tự phát của một mạng lưới hacker. Đa số các cuộc tấn công đó xuất phát từ blog. Một danh sách các website chính phủ của Gruzia được truyền cho nhau giữa các thành viên tham gia nhóm hacker này.

Kèm theo danh sách đó là các công cụ tấn công từ chối dịch vụ (DDoS). Từ năm 2007, các hacker cũng đã tổ chức tấn công với hình thức tương tự lên các website Estonia.

Với lực lượng khủng bố quốc tế, Internet đã trở thành một công cụ cực kỳ hữu hiệu để tấn công các quốc gia thù địch.

Mục tiêu tấn công là các cơ sở hạ tầng thông tin thuộc các lĩnh vực: quân sự, tài chính, ngân hàng, mạng máy tính quốc gia... Virus có thể làm cho hệ thống vũ khí của đối phương bị mất điều khiển, virus cũng có thể phá hoại cơ sở hạ tầng kinh tế quốc dân, làm cho nền kinh tế rối loạn, hay làm tắc nghẽn hệ thống thông tin liên lạc. Thành phần nguy hiểm nhất trong CTTT là các hacker. Hacker tập trung vào việc đánh cắp các bí mật quân sự; sử dụng virus tấn công các hệ thống máy tính làm cho hệ thống này bị tê liệt không thể đưa ra các phán đoán chính xác.

Đối phó của các nước

Trước tình trạng này, một số quốc gia đã có những bước chuẩn bị để đối phó với CTTT. Chẳng hạn, Chính phủ Trung Quốc đã áp dụng biện pháp kiểm soát chặt chẽ đối với thông tin trực tuyến và tiến hành phong tỏa thông tin khi cần thiết. Trung Quốc cũng xây dựng một lực lượng chống lại các vụ tấn công máy tính, bảo vệ các hệ thống liên lạc qua vệ tinh và xử lý những vấn đề liên quan đến an ninh mạng quốc gia và an toàn thông tin. Tổ chức Hiệp ước Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng có các chuyên gia về CTTT. Họ đã từng "dàn quân" trên chiến trường trực tuyến ở Estonia khi mạng Internet của nước này bị tấn công.

Theo thời báo New York Times, Nga và Mỹ đều cho rằng loại hình CTTT đang phát triển và cần có sự kiểm soát. Hai bên dự định sẽ thảo luận vấn đề này trong cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 11 sắp tới. Thừa nhận mối đe dọa ngày một lớn của CTTT, nhiều quốc gia đang phát triển các loại vũ khí phòng thủ cho các mạng máy tính. Tướng Keith Alexander, phụ trách Bộ Tư lệnh Ảo của Mỹ, đã có báo cáo gửi tới tiểu ban Vũ trang Hạ viện Mỹ về việc cần cải tổ lại các hoạt động tấn công và phòng thủ ảo. Tướng Alexxander cho rằng, lực lượng ảo cần thêm nhiều nguồn lực và tăng cường đào tạo huấn luyện. Trong sáu tháng qua, Mỹ đã chi hơn 100 triệu USD để tăng cường phản ứng nhanh và khắc phục những thiệt hại từ các cuộc tấn công ảo cũng như bảo trì các mạng lưới máy tính. Còn William Shelton, phụ trách thông tin thuộc Lực lượng Không quân Mỹ cho hay: Mỹ cần nỗ lực hơn nữa phát triển công nghệ mới để phản ứng với nguy cơ tấn công ảo. Hội đồng Nghiên cứu quốc gia nước này kết luận là các chính sách hiện tại của Mỹ về chiến tranh ảo là "thiếu thông tin và không tương xứng". Hội đồng còn nhấn mạnh, những chính sách về chiến tranh ảo "không phát triển và thiếu chắc chắn" của chính phủ Mỹ sẽ dẫn tới sai lầm trong đối phó với các cuộc khủng hoảng có thể xảy ra.

Một câu hỏi được đặt ra: Đối phương tấn công bằng CNTT vào các hoạt động kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của một quốc gia đến mức nào thì quốc gia đó tuyên bố tình trạng chiến tranh? Nếu các hệ thống thông tin quốc gia, đặc biệt là các hệ an ninh quốc phòng, điều hành chính phủ, tài chính, ngân hàng... bị hacker nước ngoài làm rối loạn, làm trì trệ mọi hoạt động của quốc gia thì lúc đó, đã có thể tuyên bố tình trạng chiến tranh? Hay chỉ khi nào có bom đạn kéo theo đổ bộ hải-lục-không quân vào đất liền mới được gọi là chiến tranh? Để làm sáng tỏ điều này cần phải chờ đợi những cuộc bàn thảo quốc tế của các nước và của các tổ chức quốc tế.

Việt Nam và chiến tranh thông tin

Nước ta không thể nằm ngoài môi trường CTTT. Chỉ riêng về khía cạnh lây nhiễm virus cũng đáng để suy nghĩ. Tháng 5 vừa qua đã có thêm hơn 4 nghìn dòng virus máy tính mới xuất hiện, tấn công vào các website của các cơ quan, doanh nghiệp lớn ở nước ta, nhưng trong đó chỉ có 6 dòng từ hacker trong nước. Bkis thì cảnh báo lỗ hổng nghiêm trọng tại các website của nhiều doanh nghiệp, ngân hàng, trường học, cơ quan thuộc Chính phủ.

Ngay từ những năm 80, nước ta đã có một chương trình nghiên cứu: "Áp dụng toán học, tin học, điều khiển học vào các hoạt động quân sự theo hướng tự động hóa chỉ huy" do trung tâm Toán-Máy tính (nay là Viện CNTT- Viện Khoa học - Công nghệ quân sự) thuộc Bộ Quốc phòng chủ trì. Trong những năm qua, CNTT đã được áp dụng trong mọi hoạt động của quân đội như tham mưu chỉ huy, đảm bảo hậu cần, kỹ thuật, nghiên cứu khoa học công nghệ quân sự... Tuy nhiên, để chuẩn bị đối phó với CTTT, còn cần phải làm nhiều việc và phải được quan tâm nhiều hơn nữa.


Theo Pcworld.com.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét