Thứ Năm, 30 tháng 6, 2011

Hoa Kỳ vạch kế hoạch sắp xếp lại lực lượng quân sự

Nhà Trắng
Văn phòng Thư ký Báo chí (Cincinnati, Ohio)
Ngày 16/8/2004
Trang thông tin số liệu: Tăng cường an ninh của Mỹ bằng cách sắp xếp lại quân đội của chúng ta

“Trong thập niên tới, chúng ta sẽ triển khai một lực lượng cơ động hơn và linh hoạt hơn, có nghĩa là sẽ có nhiều quân hơn của chúng ta sẽ được đóng và triển khai từ trong nước. Chúng ta sẽ chuyển một số quân và tiềm lực quân sự của chúng ta sang những địa điểm mới để có thể phản ứng mau lẹ với những mối đe dọa bất ngờ. Chúng ta sẽ tận dụng các công nghệ quân sự của thế kỷ XXI để nhanh chóng triển khai sức mạnh chiến đấu cao hơn. Kế hoạch mới sẽ giúp chúng ta chiến đấu và chiến thắng những cuộc chiến này trong thế kỷ XXI. Kế hoạch này sẽ tăng cường các liên minh của chúng ta trên khắp thế giới, đồng thời chúng ta sẽ xây dựng những quan hệ đối tác mới để gìn giữ hòa bình hiệu quả hơn. Kế hoạch này sẽ giảm áp lực đối với quân đội của chúng ta và các gia đình quân nhân chúng ta”.

Tổng thống George W.Bush
Ngày 16/8/2004


Hành động hôm nay của Tổng thống

• Hôm nay Tổng thống Bush đã thông báo việc tái cơ cấu toàn diện nhất quân đội Hoa Kỳ ở nước ngoài kể từ khi kết thúc Chiến tranh Triều Tiên. Với việc đóng cửa các căn cứ không còn cần thiết để đối phó với những mối đe dọa thời Chiến tranh Lạnh nay không còn nữa, sáng kiến mới này sẽ đưa nhiều lực lượng thời Chiến tranh Lạnh trở về Mỹ, đồng thời triển khai các lực lượng linh hoạt hơn và có khả năng triển khai nhanh ở các khu vực chiến lược trên toàn thế giới.
• Tận dụng các công nghệ quân sự của thế kỷ XXI, kế hoạch này sẽ tăng năng lực quân sự và sức mạnh chiến đấu của Mỹ ở mọi khu vực trên thế giới; cải thiện quan hệ hợp tác của chúng ta với đồng minh và khả năng bảo vệ đồng minh; và tăng cường khả năng ngăn chặn xâm lược - đồng thời cắt giảm lực lượng của Mỹ đóng quân ở các căn cứ nước ngoài.
• Kế hoạch này sẽ tăng cường an ninh cho nước Mỹ bằng cách chuẩn bị tốt hơn cho quân đội của chúng ta để đối phó với những nguy cơ mới liên quan đến các quốc gia bất hảo, chủ nghĩa khủng bố toàn cầu và vũ khí hủy diệt hàng loạt.
• Trong 10 năm tới, kế hoạch của Tổng thống sẽ đóng cửa hàng trăm cơ sở của Mỹ ở nước ngoài và đưa về nước khoảng 60.000 đến 70.000 quân nhân và khoảng 100.000 thân nhân và các nhân viên dân sự.
• Kế hoạch này sẽ giúp các thành viên trong quân ngũ của chúng ta có thêm thời gian ở mặt trận trong nước và ít phải di chuyển hơn trong công việc. Nó sẽ giúp vợ chồng của quân nhân ít phải thay đổi công việc hơn và giúp gia đình họ ổn định hơn. Và nó sẽ giúp tiết kiệm tiền của những người đóng thuế bằng cách đóng cửa hàng trăm cơ sở không cần thiết trên toàn thế giới.

Các mục tiêu trong kế hoạch quân đội thế kỷ XXI của chúng ta

• Mở rộng quan hệ quốc phòng của Mỹ với các đồng minh và xây dựng các mối quan hệ đối tác mới. Những thay đổi về bố trí lực lượng sẽ tăng khả năng của chúng ta trong việc thực hiện các cam kết phòng thủ hiệu quả hơn. Sự hiện diện của Mỹ sẽ được tính toán phù hợp nhằm cân bằng một cách tối ưu các yêu cầu quân sự trong thế kỷ XXI của chúng ta, quan hệ của chúng ta với đồng minh và đối tác, tình hình khu vực, và tác động của sự hiện diện của Mỹ đối với các nước chủ nhà.
• Tăng cường sự linh hoạt để đối phó với tình hình không chắc chắn. Các mối đe dọa toàn cầu đối với an ninh quốc gia của chúng ta có thể thách thức sự dự đoán. Do đó, Hoa Kỳ sẽ phát triển các mối quan hệ an ninh mới và mở rộng nhằm nhấn mạnh tính linh hoạt trong cơ cấu lực lượng của chúng ta.
• Thiết lập sự hiện diện tiền tiêu khu vực và toàn cầu. Những yêu cầu về các mối đe dọa mới đòi hỏi các lực lượng được triển khai ở nước ngoài phải sẵn sàng đảm nhận nhiệm vụ ở bất kỳ đâu trên thế giới, bất kể lực lượng đó đóng ở đâu - đồng thời chúng ta phải sẵn sàng hành động ở cấp độ khu vực và địa phương nhằm duy trì các cam kết của chúng ta với NATO và các đồng minh khác.
• Thúc đẩy việc triển khai nhanh lực lượng. Việc sắp xếp lại các lực lượng ở nước ngoài của chúng ta phải cải thiện các năng lực phản ứng nhanh trong những tình huống khẩn cấp ở những nơi xa, vì các lực lượng của chúng ta chắc sẽ không tham chiến ở ngay nơi đóng quân. Điều này đòi hỏi phải có cơ sở hạ tầng vận tải hiện đại phục vụ cho việc di chuyển lực lượng, các thiết bị lắp đặt trước dọc theo các tuyến đường vận chuyển, và cơ cấu chỉ huy gọn nhẹ trong các chiến dịch triển khai.
• Tập trung vào các năng lực thay vì số lượng. Phát huy những thế mạnh của Mỹ về tốc độ, phạm vi, độ chính xác, tri thức và sức mạnh chiến đấu hiện là khái niệm chủ đạo trong hoạt động quân sự. Số các lực lượng tiền tiêu ở một khu vực nhất định không còn là sự mô tả chính xác năng lực quân sự hiệu quả của Mỹ có thể triển khai ở đó.

Bối cảnh

Cơ cấu toàn cầu của quân đội chúng ta, từng được xây dựng để bảo vệ chống lại các đối thủ trong Chiến tranh Lạnh, hiện tại không còn tối ưu để đối phó với những mối đe dọa ngày nay đối với an ninh quốc gia của chúng ta. Sau Chiến tranh thế giới Thứ hai và Chiến tranh Triều Tiên, cơ cấu toàn cầu của chúng ta tập trung vào các mối đe dọa đối với các khu vực cụ thể và sắp xếp cho phù hợp sự hiện diện quân sự của chúng ta ở những khu vực đó. Cơ cấu thời Chiến tranh Lạnh của chúng ta được thiết lập với việc chắc chắn rằng chúng ta biết đối thủ của chúng ta là ai và các trận chiến tiềm tàng sẽ là ở đâu. Nhưng với sự sụp đổ của Liên Xô, những mối đe dọa từng rất quen thuộc đã nhường chỗ cho những nguy cơ khó lường trước hơn. Những bài học trong 15 năm qua cho chúng ta thấy rằng chúng ta thường đưa lực lượng của chúng ta đến những nơi không thể lường trước. Chiến lược thời Chiến tranh Lạnh bố trí những lực lượng lớn ở những địa điểm cụ thể để bảo vệ chống lại một đối thủ biết trước cần phải thay đổi để đối phó hiệu quả hơn với những nguy cơ ngày nay.

Hiện không còn phù hợp nữa khi đánh giá năng lực chiến đấu của Mỹ dựa trên số quân và thiết bị ở một nước hay một khu vực cụ thể. Trong thập kỷ 1990, quân đội chúng ta bắt đầu cải tổ từ thời đại công nghiệp sang thời đại thông tin. Trong thời đại này, phạm vi, tốc độ, độ chính xác, tri thức và sức mạnh chiến đấu, và không chỉ là quy mô của lực lượng, cho phép chúng ta chế ngự chiến trường. Chúng ta biết rằng các đơn vị nhỏ, tinh nhuệ và liên kết với nhau, các cương lĩnh, và thậm chí là cá nhân các chiến sỹ có thể có tác động đến chiến trường vốn trước đây chỉ dành cho những đơn vị lớn hơn nhiều. Ngày nay, một tàu thủy hay xe tăng hay máy bay công nghệ cao có thể có sức mạnh chiến đấu tương đương với 10 tàu thủy hay xe tăng hay máy bay trước đây.

Chính quyền Bush hiện đang cải tổ quân đội của chúng ta nhằm đối phó hiệu quả hơn với các nguy cơ của thế kỷ XXI và bảo vệ tốt hơn nước Mỹ và những lợi ích sống còn của chúng ta. Đầu năm 2001, Chính quyền Bush đã thông qua một chiến lược quốc phòng mới thừa nhận bản chất đang thay đổi của chiến tranh và Bộ Quốc phòng cần phải cải tổ các cơ quan của mình, cách thức làm việc, và cơ cấu cả trong và ngoài nước Mỹ nhằm đối phó với những thách thức trong kỷ nguyên mới.

Các cuộc tấn công ngày 11/9 càng cho thấy rõ hơn thời kỳ mới đầy bất trắc mà chính quyền trước đó đã nhận thấy và đã bắt đầu chuẩn bị đối phó trong chiến lược quốc phòng năm 2001. Các chiến dịch ở Afghanistan – và rộng hơn là cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố - đã nêu bật sự cần thiết phải tiến hành xem xét lại dựa trên chiến lược cơ cấu phòng thủ toàn cầu của chúng ta. Việc đánh giá lại này được tiến hành với sự tham vấn chặt chẽ của Quốc hội và các đồng minh của chúng ta và là hòn đá tảng trong kế hoạch cải tổ quốc phòng của Tổng thống.

Những nét thay đổi chính

Châu Âu: Những nỗ lực của chúng ta sẽ hỗ trợ cho sự cải tổ của chính NATO. Chúng ta cố gắng loại bỏ các cơ sở hạ tầng thời Chiến tranh Lạnh không còn phù hợp nữa với những nhu cầu an ninh hiện nay, thay thế chúng bằng các lực lượng và trung tâm chỉ huy linh hoạt hơn và dễ triển khai hơn. Cơ cấu lực lượng trong tương lai của chúng ta sẽ gồm các lực lượng tiền tiêu có thể triển khai nhanh để tham gia xung đột sớm ở cả châu Âu và những nơi khác.

• Các lực lượng trang bị nặng để tham gia chiến tranh trên bộ ở châu Âu sẽ trở về Mỹ; họ sẽ được thay thế bằng các lực lượng hiện đại và dễ triển khai cùng với các đơn vị không quân, được hỗ trợ bởi các cơ sở huấn luyện hiện đại và cơ sở hạ tầng cơ động năng lực cao.
• Các trung tâm chỉ huy bộ binh, không quân và hải quân sẽ được cải tổ và củng cố.
• Các lực lượng đặc nhiệm, cả tiền tiêu và luân phiên, sẽ tăng tầm quan trọng; họ sẽ được bố trí để dễ di chuyển trong và ngoài châu Âu.
• Khu vực Trung Đông: Sự hợp tác và tiếp cận của các đối tác trong liên minh trong các Chiến dịch Tự do Bền vững và Tự do của Iraq giúp chúng ta có được cơ sở vững chắc để hợp tác dưới các hình thức khác trong tương lai.
• Chúng ta sẽ duy trì, và trong một số trường hợp sẽ nâng cấp các địa điểm luân chuyển lực lượng và cho các mục đích khẩn cấp, được hỗ trợ bởi các trung tâm chỉ huy tiền tiêu và các cơ sở huấn luyện hiện đại.
• Các lực lượng luân chuyển chứ không phải thường trú trên không, trên bộ và trên biển sẽ tạo sự hiện diện và bảo đảm với các đồng minh và đối tác của chúng ta.
• Bên cạnh việc mong muốn quan hệ chặt chẽ với Afghanistan và Iraq để chúng ta có thể tiếp tục đóng vai trò tích cực trong nỗ lực tái thiết của họ và trong an ninh lâu dài của khu vực, bất kỳ quyết định nào về sự hiện diện lâu dài của Mỹ ở những nước này là sự chọn lựa theo chủ quyền của nhân dân và chính phủ những nước đó.
Châu Á: Chúng ta sẽ nâng cao khả năng ngăn chặn, đẩy lùi và đánh bại các thách thức ở châu Á thông qua các năng lực tấn công tầm xa được tăng cường, các trung tâm chỉ huy được cải tổ và củng cố và một mạng lưới các dàn xếp tiếp cận địa bàn.
• Việc triển khai đồn trú tiền tiêu thêm các lực lượng trên biển ở nước ngoài ở Thái Bình Dương sẽ giúp cho các hoạt động quân sự nhanh chóng và hiệu quả ở trong khu vực và trên toàn cầu.
• Các căn cứ tấn công hiện đại sẽ được đóng ở Tây Thái Bình Dương.
• Ở Đông Bắc Á, chúng ta đang hợp tác với các đồng minh mạnh nhất của chúng ta nhằm tái cơ cấu sự hiện diện quân sự và các cơ chế chỉ huy của chúng ta, đồng thời cải thiện các năng lực trong khu vực.
• Ở Trung và Đông Nam Á, chúng ta đang thiết lập một mạng lưới các địa điểm tạo cơ hội huấn luyện và tiếp cận khẩn cấp cho các lực lượng thông thường và đặc nhiệm.
Châu Phi và Mỹ Latinh: Chúng ta sẽ mở rộng quan hệ hợp tác an ninh ở châu Mỹ Latinh và châu Phi nhằm giúp các đối tác giải quyết những thách thức mà họ đang đối mặt.
• Chúng ta sẽ tăng cường huấn luyện trong khu vực, hỗ trợ đối tác xây dựng năng lực chống khủng bố và chống ma túy, và duy trì tiếp cận khẩn cấp ở những khu vực xa xôi.
• Chúng ta không có kế hoạch mở các Căn cứ Tác chiến Chính (những cơ sở hạ tầng quân sự lớn với các cơ sở quân nhu và trường học) ở những khu vực này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét