Thứ Hai, 24 tháng 9, 2012

Bắc Triều Tiên sẽ giúp Trung Quốc phá vỡ “Vòng cung phòng thủ tên lửa” của Mỹ

Châu Á đang đứng trước ngưỡng cửa của "cơn sốt tên lửa hạt nhân" mới. Mấy hôm trước, quân đội Hàn Quốc đã công bố việc chế tạo tên lửa đạn đạo có khả năng phá hủy các hệ thống pháo binh nằm trong boongke của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng đã nói rằng việc triển khai thêm tại Nhật Bản một hệ thống radar mới của Mỹ sẽ thúc đẩy Bắc Triều Tiên phát triển loại vũ khí hạt nhân mạnh hơn nữa. Chủ nhân Lầu Năm Góc Leon Panetta đã thỏa thuận về việc bố trí trạm rađa thứ hai tại Nhật Bản trong một chuyến thăm Tokyo mới đây. Lầu Năm Góc cảnh báo rằng tên lửa của Bắc Triều Tiên sẽ rơi xuống Nhật Bản trước tiên trong trường hợp xảy ra xung đột khu vực. Bởi lý do này, Mỹ sẽ bố trí trạm radar cảnh báo tên lửa thứ hai của mình trên các hòn đảo Nhật Bản.
Có thể dự đoán được phản ứng của Bình Nhưỡng một cách chẳng khó khăn gì. Họ tuyên bố rằng cường quốc vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới là Mỹ đang tăng cường tên lửa chống lại Bắc Triều Tiên. Vì vậy, phản ứng tự nhiên của Bắc Triều Tiên là phát triển tiềm năng hạt nhân của mình. Điều này được nêu trong thông cáo của Bộ Ngoại giao Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.
Chủ nhân Lầu Năm Góc đã giới thiệu radar thứ hai của Mỹ tại Nhật Bản trước khi bay từ Tokyo đến Bắc Kinh. Việc lựa chọn thời gian và địa điểm rõ ràng cho thấy ý định gây áp lực mới đối với Trung Quốc. Bắc Kinh đã tỏ ra rất khó chịu với trạm radar đầu tiên, lần này Hoa Kỳ lại tìm cách bố trí trạm thứ hai gần Trung Quốc hơn nữa. Tuy nhiên, Leon Panetta cho biết hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ không chống lại Trung Quốc, nhưng rõ ràng là ông ta đã nói dối. Phó Giám đốc Viện Mỹ và Canada Pavel Zolotarev nói:
“Mỹ có một mối quan tâm lớn là tiềm năng Trung Quốc càng gia tăng thì sức mạnh của Mỹ trong khu vực càng bị hạn chế. Và sự hạn chế sức mạnh Mỹ trước hết gắn với tiềm năng tên lửa của Trung Quốc. Vì vậy, người Mỹ đang tập trung phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa khu vực bằng cách vô hiệu hóa tiềm năng này của Trung Quốc. Đây chính là phương hướng chính của hệ thống phòng thủ tên lửa.”
Dựa trên nền kinh tế đang phát triển, Trung Quốc tìm cách khẳng định sự ngang bằng quân sự với Mỹ trong khu vực châu Á. Nếu không có điều đó, việc Trung Quốc tuyên bố là siêu cường thứ hai sẽ không thuyết phục. Tuy nhiên, Mỹ không bao giờ chịu đánh mất ưu thế chiến lược của mình đối với Trung Quốc. Để tự bảo vệ mình trong cuộc tranh chấp vị thế dẫn đầu khu vực, Mỹ xây dựng "vòng cung chống tên lửa" bao trùm toàn bộ Trung Quốc. Lầu Năm Góc đã bắt đầu bố trí một số tên lửa và radar tại Bahrain, Kuwait, Arabia Saudi và UAE. Mặt trận phía Đông cần phải dựa vào các căn cứ Mỹ tại Nhật Bản và Hàn Quốc.
Càng ngày, Philippines và Úc càng được gọi là những điểm mới, có khả năng xuất hiện các bộ phận phòng thủ tên lửa châu Á. Đặc biệt, Cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ đang xem xét khả năng bố trí trạm radar cảnh báo tên lửa thứ ba ở Philippines. Về vấn đề này, các nhà quan sát nhắc tới việc Mỹ công khai tuyên bố ý định quay lại căn cứ Subic Bay ở Philippines, nơi họ hiện diện cách đây 20 năm. Cơ sở này nằm gần biên giới của Trung Quốc – địa điểm hoàn hảo để theo dõi chính xác tên lửa đạn đạo phóng từ các khu vực phía Nam Trung Quốc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét