Sự căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington không được cởi
bỏ, các bên không đạt được bất kỳ thỏa hiệp nào về một vấn đề đang làm
ảm đạm quan hệ của họ. Đó là tổng kết khái quát về chuyến công du của
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đến Trung Quốc.
Trung
Quốc và Hoa Kỳ là những đối tác, và sự phụ thuộc của họ vào nhau sẽ chỉ
gia tăng. Đây có lẽ là điều duy nhất mà các bên đồng thuận. Thế nhưng
ông Dương Khiết Trì mời bà Hillary Clinton đến Bắc Kinh hẳn không phải
chỉ để đưa ra nhận xét như vậy. Trung Quốc muốn nghe lời đáp cho câu hỏi
chính – Hoa Kỳ đã sẵn sàng hay chăng để xây dựng một loại hình mới của
quan hệ song phương.
Khái niệm này đang được Bắc Kinh
tích cực đưa vào sử dụng, sau khi Washington tuyên bố trở lại khu vực
châu Á-Thái Bình Dương và mở rộng hiện diện quân sự của Hoa Kỳ tại đó.
Trung Quốc nhìn thấy trong chiến lược mới này mối đe dọa cho lợi ích của
mình và bắt đầu trò chơi phản công. Trong khái niệm "mối quan hệ kiểu
mới” của Bắc Kinh chứa đựng những ý tưởng nhất định, - chuyên viên
Aleksandr Larin từ Viện Viễn Đông (Viện Hàn lâm khoa học LB Nga) nhận
xét.
“Người Trung Quốc muốn Hoa Kỳ cần phải tính đến
sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc để không đối đầu với nước này, mà
đi tới những nhượng bộ nào đó. Tức là có ý rằng Hoa Kỳ cần phải chấp
nhận sự phát triển thế lực và ảnh hưởng của Trung Quốc ở Đông Á nói
riêng cũng như khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung. Trung Quốc xem
vùng địa bàn này như là khu vực quyền lợi quan trọng sống còn và cố gắng
củng cố vị thế của mình tại đây”.
Thế nhưng Hoa Kỳ
không làm như vậy. Những cuộc thương lượng của bà Hillary Clinton với
các nhà lãnh đạo Trung Quốc thể hiện rõ điều đó. Mỗi bên vẫn theo cách
của mình. Mà như thế có nghĩa là đối đầu sẽ chỉ tăng thêm. Cụ thể, do
thực tế Hoa Kỳ công khai ủng hộ lập trường của Nhật Bản, Philippines và
Việt Nam trong cuộc tranh chấp cùng Trung Quốc về các đảo và vùng biển
Hoa Đông và Hoa Nam (Biển Đông). Xét theo mọi điều, Ngoại trưởng Hillary
Clinton đã không giảm nhẹ lập trường của người Mỹ trong nội dung này.
Nếu không, thì Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã chẳng đưa ra tuyên bố rằng Hoa Kỳ
cần đóng vai trò xây dựng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và thực
sự tôn trọng chủ quyền cùng toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc. Trung Quốc
cho rằng các lãnh thổ tranh chấp là thuộc sở hữu của mình và đánh giá
tham vọng của các nước láng giềng như là xâm phạm chủ quyền của CHND
Trung Hoa.
Tại cuộc hội đàm, cả Chủ tịch Hồ Cẩm Đào
cũng như Phó Thủ tướng Lý Khắc Cường đều không nhìn thấy phản ứng nào
của Ngoại trưởng Hoa Kỳ với đòi hỏi chấm dứt phân biệt đối xử. Mà cụ thể
đó là giảm nhẹ hạn chế xuất khẩu vào Trung Quốc những sản phẩm công
nghệ cao và tạo lập điều kiện cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp
Trung Quốc đầu tư vốn vào nền kinh tế Mỹ. Thiếu vắng tiến bộ trong lĩnh
vực này chỉ làm tăng sự thất vọng của phía Trung Quốc sau các cuộc đàm
phán.
Về chi tiết hủy bỏ cuộc gặp của Phó Chủ tịch
Tập Cận Bình với Ngoại trưởng Hillary Clinton, chuyên viên Aleksandr
Larin cho rằng gắn trực tiếp với tình thế không kết quả sau các cuộc đàm
phán ở Bắc Kinh. “Việc ông Tập Cận Bình không có nguyện vọng gặp bà
Hillary Clinton cần xem như là cử chỉ tượng trưng với hàm ý chính trị.
Điều này phô trương thái độ bất mãn của Bắc Kinh đối với chính sách hiện
hành của Washington. Đây là cử chỉ hoàn toàn rõ ràng, và hẳn là Hoa Kỳ
cũng đánh giá như vậy”.
Hàng loạt chuyên viên ghi
nhận thêm một nguyên nhân khác trong việc hủy cuộc gặp của ông Tập Cận
Bình và bà Hillary Clinton. Như người ta đồn đoán, ông Tập sắp tới sẽ
giữ cương vị Chủ tịch CHND Trung Hoa. Còn Ngoại trưởng đương nhiệm của
Hoa Kỳ thì lại bị nhiều người mệnh danh là "con vịt què". Giới quan sát
viên thậm chí còn tiên đoán về vụ từ chức sắp xảy đến của bà Clinton, vì
những thất bại rõ ràng của nền ngoại giao Hoa Kỳ. Dù sao chăng nữa,
người ta thấy rằng trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Hoa Kỳ
Hillary Clinton, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì đã cố
gắng xoa dịu tình hình. Ông Dương bày tỏ hy vọng rằng "công luận sẽ kiềm
chế khỏi sự đầu cơ không cần thiết" về cuộc gặp bất thành đó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét